Người Việt ra nước ngoài chữa bệnh

Theo các con số do Bộ Y tế Việt Nam đưa ra, hàng năm có vào khoảng 30,000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh. Tổng chi phí cho những chuyến đi này ước tính từ 500 triệu đến 1 tỉ đô la. Nhiều người cho rằng đây là một cái mốt của những người dư tiền, lắm bạc. Người khác cho rằng đó là vì hệ thống y tế Việt Nam chưa tốt lại bị quá tải. Sự thật như thế nào, mời quý thính giả theo dõi thêm chi tiết qua bài tường trình sau đây với Hà Vũ.

Vào giữa tháng 8 năm 2008, sau khi báo VietNamNet đăng một loạt bài về một bệnh nhân đi chữa một khối u trong gan tại một bệnh viện Singapore lại bị đốt thủng ruột già và phải trở về Việt Nam trong tình trạng thân tàn ma dại thì nhiều người đặt ra nhiều câu hỏi về việc chữa trị tại nước ngoài.

Một viên chức thuộc Bộ Y tế Việt Nam là Tiến sĩ Lý Ngọc Kinh, Vụ trưởng Vụ khám chữa bệnh trong một cuộc phỏng vấn của báo VietNamNet sau đó đã cho rằng 'xu hướng ra nước ngoài chữa bệnh đang là mốt. Nhiều trường hợp không cần thiết cũng đi dù phải vay mượn, gây lãng phí'. Tiến sĩ Lý Ngọc Kinh còn khẳng định là 'Bộ Y tế không khuyến khích người dân ra nước ngoài chữa bệnh'.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Võ Công Đồng, Phó Giám Đốc Bệnh Viện Nhi đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc có nhiều người ra chữa bệnh nước ngoài cũng có một phần vì tâm lý chuộng ngoại và có những bệnh thường cũng đi ra nước ngoài chữa trị.

Võ Công Ðồng: “Tôi thấy thất ra ở nước mình chữa cũng được tại vì máy móc cũng tối tân, cũng nhập không à. Nhưng mà tại vì có một số họ chuộng ngoại. Trong y khoa tôi biết là mình máy móc cũng đầu đủ và người cũng đi học, cũng được huấn luyện ở nước ngoài, cũng làm được nhiều ca. Nhiều người còn mổ nhiều ca hơn mấy ông thầy; tại vì nhiều khi chuộng ngoại của một số người chưa thấy tin tưởng, với lại đông quá họ cũng không được chu đáo lắm. Cho nên chính vì vậy mà có nhiều khi họ có khuynh hướng đi nước ngoài chữa bệnh. Nhưng mà có nhiều khi bịnh thường họ cũng đi chứ không bất cứ là bịnh khó trị.”

Cô Trần Kim Ngân, trưởng văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh của bệnh viện Bumrungrad, Bangkok, Thái Lan cho biết là những bệnh nhân đến văn phòng để nhờ giới thiệu qua Thái Lan chữa trị một phần cũng vì các bệnh viện tại Việt Nam bị quá tải.

Trần Kim Ngân: “Tất cả các bác sĩ ở Việt Nam cũng rất là giỏi chớ không phải là dở nhưng vì bệnh viện của mình ở đây quá tải nên một số người có điều kiện hoặc là có khả năng thì người ta muốn là có một điều kiện nó thoải mái hơn hoặc là nógiống như là nó đáp ứng hết nhu cầu của họ hơn chớ không phủ nhận là bác sĩ ở đây không giỏi hoặc là cáitrình độ y tế của mình như thế nào hết.”

Đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh của bệnh viện Raffles Singapore cho rằng các bệnh nhân đến nhờ giới thiệu sang Singapore chữa trị thường mắc các chứng bệnh ngặt nghèo, hy vọng được chữa lành chứ không phải đi bệnh viện nước ngoài vì mốt.

“Chúng em thì vì nhu cầu của bệnh nhân, bệnh nhân đến với chúng em cũng nhiều về ung thư, về tim mạch, về gan, viêm gan, những bệnh về phụ khoa. Nói chung là chúng em có đa dạng bệnh nhân. Những bệnh nhân qua đó, người ta có liên hệ đến chúng em thì chúng em sẽ hỗ trợ. Cũng không phải là cái mốt. Theo em nghĩ những người qua bên đó chữa bệnh thì bác sĩ bên Việt Nam rất là tốt, rất là giỏi. Tuy nhiên là về trang thiết bị, máy móc ứng ra so với cái bệnh của họ thì thứ nhất là họ phải chờ đợi lâu, thứ hai là họthấy trang thiết bị máy móc chưa đủ độ hiện đại, do vậy họmuốn đi qua nước ngoài để được hưởng dịch vụ tốt hơn. Cái này em nghĩ là xuất phát từ chính nhu cầu của bệnh nhân và nhu cầu của người thân bệnh nhân người ta muốn chữa được cái bệnh của mình do vậy người ta đi ra nước ngoài chữa bệnh khi mà ở trong nước trang thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu của họ. Đo đó em nghĩ đáo là xuất phát từ nhu cầu chứ không phải do mốt. Em không biết những bài báo người ta tham luận như thế nào là ra nước ngoài chữa bệnh là mốt nhưng mà với chúng em là những người hỗ trợ bệnh nhân, gần với bệnh nhân thì chúng em hiểu được những nguyện vọng, những tâm tư của họ. Họ đặt cái hy vọng gì khi qua bên đó chứ không phải là cái mốt. Tại vì em cũng biết là khi ra nước ngoài chữa bệnh thì những khoản kinh phí không phải là ít so với chữa ở Việt Nam. Em nghĩ cái này không phải là mốt.”

Để tránh tình trạng mà báo chí gọi là chảy máu ngoại tệ do ra nước ngoài chữa trị, Phó giáo sư Tiến sĩ Võ Công Đồng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, thành phố Hồ Chí Minh đề nghị mở thêm những khu kỹ thuật cao.

Võ Công Ðồng: “Tôi thấy chi phí cũng cao cho nên vì thế màchắc là mình nên mở những khu kỹ thuật cao nhiều hơn để mà mình cạnh tranh lại. Cái đó là khuynh hướng của Bộ y tế bây giờ mở ở 4 khu. Ở thành phố bây giờ họ mở ở 4 khu thành phố kỹ thuật cao để mà đón, để cho bệnh viện bớt quá tải để chú trọng về chuyên sâu nhiều hơn và chăm sóc y tế tốt hơn.”

Ra nước ngoài chữa bệnh không phải chỉ xảy ra tại Việt Nam hay tại các nước mà hệ thống y tế yếu kém không đáp ứng được những nhu cầu của người dân trong nước. Ngay tại các nước có nền y học tiên tiến như Hoa Kỳ, Canada và các nước Tây âu khác thì việc đi ra nước ngoài chữa bệnh cũng không phải là chuyện ít thấy. Tuy nhiên tại những nước tiên tiến này, đi chữa bệnh ở nước ngoài là để tiết kiệm được tiền bạc trong khi dịch vụ y tế nhận được cũng tốt không kém ở trong nước.

Vào năm 2007, ông Josef Woodman, một tác giả người Mỹ, hiện là chủ tịch công ty chuyên cung cấp những tin tức liên hệ đến việc đi chữa bệnh ở nước ngoài có tên là Healthy Travel Media Company, sau 3 năm đi thăm 100 bệnh viện và cơ sở y tế của 14 quốc gia đã cho xuất bản một cuốn sách với đề tựa 'Patients Beyond Borders' tạm dịch là bệnh nhân qua các biên giới đã đưa ra những chỉ dẫn cần thiết và bổ ích cho những người muốn đi chữa bệnh tại nước ngoài.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho ông David Williams, tác giả của trang blog Health Business, ông Josef Woodman cũng nêu ra một điểm chính mà những ngườ ra chữa bệnh nước ngoài cần phải tránh. Đó là phải có những thông tin thật đầy đủ về bệnh viện đến chữa trị như là bệânh viện đó được đánh giá như thế nào, chuyên môn về những vấn đề gì, tỉ lệ thành công trong những ca mổ ra sao…Sau cùng là khi về nhà cần được theo dõi như thế nào, nếu có phản ứng phải chữa trị ra sao.

Ngoài ra theo ông Josef Woodman thì đi chữa bệnh là chữa bệnh, đừng bao giờ kết hợp việc chữa bệnh với du lịch, cũng giống như doanh nhân khi đi ra nước ngoài vì công việc doanh thương của mình thì lo việc doanh thương, đừng nghĩ đến chuyện du lịch trong những chuyến đi này.