Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã lên án vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên là một 'sự vi phạm rõ ràng' nghị quyết của hội đồng và nói rằng họ sẽ bắt đầu soạn thảo ngay một nghị quyết mới. Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, thông tín viên đài VOA Margaret Besheer có bài tường trình chi tiết sau đây.
Cuộc họp khẩn của 15 thành viên hội đồng bảo an kéo dài chưa đầy một giờ đồng hồ. Sau đó các nhà ngoại giao đã ra khỏi cuộc họp với một tiếng nói chung rằng họ phản đối và lên án sự coi thường luật pháp quốc tế mới đây nhất của Bình Nhưỡng.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Susan Rice, không cho biết liệu nghị quyết mà hội đồng bắt đầu soạn thảo có đưa ra những biện pháp chế tài mới hay không, tuy nhiên bà nói rằng nghị quyết này phải mạnh mẽ với nội dung cứng rắn thích đáng.
Bà Rice nói: “Hoa Kỳ cho rằng đây là một sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và là mối đe doạ đối với hoà bình và an ninh của khu vực cũng như quốc tế. Và vì vậy Hoa Kỳ sẽ mưu tìm một nghị quyết mạnh mẽ với các biện pháp cứng rắn.”
Phó Đại sứ Pháp Jean-Pierre Lacroix nói rằng nước ông tin là cần có những biện pháp chế tài mới.
Ông Lacroix nói thêmt: "Theo quan điểm của Pháp thì nghị quyết này nên bao gồm những biện pháp chế tài mới ngoài những biện pháp đã được Hội đồng Bảo an thông qua, bởi hành động này phải bị trả giá.”
Nhật Bản, nước đã từ lâu vẫn đi đầu trong việc hối thúc hội đồng bảo an có hành động mạnh mẽ đối với Bắc Triều Tiên và là nước đã triệu tập cuộc họp khẩn hôm thứ Hai, nói rằng vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng không chỉ là mối đe doạ nghiêm trọng đối với hoà bình và an ninh của khu vực cũng như quốc tế mà còn là mối đe doạ đối với thẩm quyền và uy tín của Hội đồng Bảo an.
Nga và Trung Quốc lâu nay vẫn là những đồng minh mạnh nhất của Bình Nhưỡng tại hội đồng. Tuy nhiên, Đại sứ Nga Vitaly Churkin, người đang giữ vị trí chủ tịch hội đồng trong tháng này, đã chỉ trích hành động của Bình Nhưỡng là đi ngược lại với các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí hạt nhân và Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Toàn bộ Vũ khí Hạt nhân.
Ông Churkin nói: “Chúng tôi, nước Nga, là những người khai sinh ra những tài liệu này. Vì vậy chúng tôi cho rằng đây là những hiệp ước vô cùng quan trọng trong các quan hệ quốc tế hiện thời. Cho nên bất cứ hành động nào vi phạm qui chế của hai hiệp ước này là vô cùng nghiêm trọng và cần phải được đáp trả mạnh mẽ.”
Chính phủ Trung Quốc đã ra một tuyên bố nói rằng họ cương quyết phản đối vụ thử này.
Sáng thứ Hai, Bắc Triều Tiên xác nhận họ đã tiến hành một vụ thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất. Năm 2006, họ đã tiến hành một vụ thử tương tự khiến Hội đồng Bảo an phải thông qua một nghị quyết trừng phạt nước này.
Hồi tháng Tư, Bắc Triều Tiên đã phóng một hoả tiễn mà Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác cho là một sự ngụy trang cho một vụ thử phi đạn đạn đạo. Hội đồng Bảo an cũng đã lên án hành động này và thắt chặt các biện pháp chế tài hiện hành, nhưng chưa thông qua một nghị quyết mới.