Các vụ đánh bom tại Iraq hôm thứ Năm đã giết chết ít nhất 25 người, trong số này có 3 binh sĩ Mỹ. Thông tín viên Edward Yeranian của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ tường thuật thêm các chi tiết sau đây:
Trong vụ tấn công đầu tiên của một ngày đẫm máu vì bạo động, một phần tử đánh bom tự sát đã nhắm vào một nhóm dân quân của Hồi giáo Sunni có tên là Hội Đồng Nhận Thức, đồng minh với Hoa Kỳ ở thành phố Kirkuk thuộc miền bắc Iraq.
Một thành viên của nhóm này kể rằng ông và các thành viên khác của Hội đồng Awakening đang tập trung tại trụ sở chính của nhóm này để chờ lãnh lương thì vụ nổ xảy ra.
Vụ nổ thứ hai xảy ra tại quận Dora của Baghdad, nhắm vào một nhóm binh sĩ Mỹ đang đi bộ tuần tra. Vụ nổ giết chết 12 thường dân và làm bị thương 25 người khác tại một khu chợ đông người ở gần đó.
Các nhân chứng kể rằng vụ thứ ba là một quả bom từ một thùng rác đã phát nổ, giết chết ít nhất hai cảnh sát viên tại quận Mansour của Baghdad, và làm bị thương nhiều cảnh sát viên khác.
Các vụ đánh bom hôm thứ năm đã xảy ra trong lúc còn chưa đến sáu tuần lễ nữa là quân đội Mỹ theo kế hoạch sẽ rút ra khỏi các thành phố và thị trấn của Iraq theo tinh thần của một thỏa thuận quân sự mà Hoa Kỳ và Iraq đã ký kết vào tháng 11 năm ngoái.
Tình trạng bạo động gia tăng hồi gần đây khiến nhiều người Iraq lo sợ một làn sóng bạo động giáo phái mới sẽ nổi lên tại nước này ngay vào lúc mà các lực lượng quân sự của Mỹ khởi sự triệt thoái theo như kế hoạch.
Hôm thứ tư một vụ đánh bom xe dữ dội đã xảy ra tại tại khu vực người Hồi giáo Shia ở Shula, giết chết 40 người. Thân nhân của một trong số các nạn nhân nói rằng vụ tấn công đó là không thể chấp nhận được. Ông đặt câu hỏi không biết bọn khủng bố muốn gì ở cộng đồng của ông. Ông nói rằng dưới sự phù hộ của Thượng đế và của thánh Ali, cộng đồng của ông sẽ chiến thắng.
Giáo sư Sa'ad al Hadithy của Đại học Baghdad cảnh báo rằng tình hình an ninh đang trở nên xấu đi có thể lan tràn khắp Iraq.
Giáo sư Hadithy nói rằng trong 24 giờ qua không khí bạo động đẫm máu đã bao trùm lên thủ đô Baghdad, có hàng chục người thiệt mạng. Ông nhấn mạnh rằng đây là một chỉ dấu về cái mà ông gọi là 'khoảng trống an ninh' ngay khi quân đội Mỹ bắt đầu rút dần ra khỏi các thành phố của Iraq.
Giáo sư Hadithy nhận định tiếp rằng mặc dù chính phủ do người Shia kiểm soát của Thủ tướng Nouri al-Maliki đã đưa ra những bảo đảm, các lực lượng an ninh của Iraq chưa chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận quyền kiểm soát từ quân đội Mỹ vào ngày 30 tháng sáu tới đây.
Ông Hadithy quả quyết rằng các lực lượng an ninh của Iraq vẫn chưa có đủ khả năng để đáp ứng những yêu cầu về bảo đảm an ninh, và khả năng đối phó với vô số các phe phái vũ trang mà không có sự chỉ đạo và yểm trợ hữu hiệu của Mỹ.
Ông nhấn mạnh rằng các lực lượng này được tập hợp lại một cách thiếu tổ chức, chưa được trang bị chuyên môn thành thạo, và chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những nguy hiểm hiện tại.
Ông nhận định rằng họ không đủ năng lực, được trang bị yếu kém, và thực chất là chưa sẵn sàng. Giáo sư Hadithy nói tiếp điều cần thiết bây giờ là phải duyệt xét lại toàn bộ cơ cấu và sự thành lập của các lực lượng an ninh này.
Làn sóng bạo động mới đây diễn ra tiếp theo một tháng tư đẫm máu, khi các phần tử nổi dậy tấn công nhắm vào các khu vực có đa số cư dân theo Hồi giáo Shia, những vụ tấn công hình như có dụng ý khởi động một vòng bạo động mới giữa hai giáo phái Shia và Sunmi.