Ủy ban Quốc Hội Mỹ chấp thuận dự luật viện trợ cho Pakistan

Một ủy ban Quốc hội Hoa Kỳ đã chấp thuận dự luật dành cho Pakistan hàng tỷ đôla viện trợ kinh tế trong 5 năm sắp tới. Các nhà lập pháp thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện ủng hộ sự cần thiết phải giúp cho Pakistan chống lại một cuộc nổi dậy của các phần tử cực đoan, nhưng một số dân biểu bày tỏ sự quan ngại về các điều kiện mạnh được đề ra trong dự luật. Thông tín viên đài VOA Dan Robinson ghi nhận một số chi tiết trong bài tường thuật từ trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ.

Dự luật Tăng cường Trợ giúp và Hợp tác Dài hạn đề nghị tăng gấp 3 viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ cho Pakistan, lên tới 1 tỷ rưỡi đôla mỗi năm cho đến năm 2013, nhằm giúp tạo ổn định cho chính phủ dân sự, và hỗ trợ các cơ chế cấp tỉnh và cấp quốc gia, đồng thời củng cố các hệ thống giáo dục và tư pháp của Pakistan.

Dự luật thiết lập một Quỹ Dân chủ và Thịnh vượng Pakistan dành cho viện trợ phi quân sự, và tăng cường sự tập trung vào việc phụ nữ và các thiếu nữ tại Pakistan được tiếp cận với giáo dục.

Về mặt quân sự, dự luật cho phép viện trợ quân sự để tăng cường khả năng của quân đội và các lực lượng đặc biệt Pakistan nhằm chống lại các tổ chức cực đoan. Quốc hội đã dành 400 triệu trong khuôn khổ một dự luật tài trợ chiến tranh phụ trội cho một quỹ mới có tên là Quỹ Khả năng Chống Nổi dậy Pakistan.

Chủ tịch ủy ban, dân biểu Howard Berman của đảng Dân chủ, nói rằng dự luật nêu bật tầm quan trọng của cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cực đoan của Pakistan.

Ông Berman nói: “Tất cả chúng ta đều hết sức quan tâm đến sự ổn định và an ninh của quốc gia ấy. Chúng ta không thể để cho al-Qaida hay bất cứ tổ chức khủng bố nào đe dọa đến an ninh quốc gia của chúng ta hoạt động mà không bị trừng phạt trong những khu vực bộ tộc của Pakistan, và chúng ta cũng không thể cho phép quốc gia Pakistan và kho hạt nhân của nước này lọt vào tay phe Taliban.”

Nhưng dự luật này chứa các điều khoản nhằm giúp Quốc hội thực hiện quyền kiểm soát và nhìn thấy kết quả, để đáp lại sự kiện mà các nhà lập pháp coi như hàng tỷ đôla đã bị chính phủ Pakistan phung phí trong thập niên vừa qua.

Tổng thống Hoa Kỳ sẽ phải tường trình về việc liệu Pakistan có chứng tỏ một sự cam kết lâu dài và đạt được tiến bộ hướng tới việc chiến đấu với các tổ chức khủng bố, kể cả việc chấm dứt việc bất kỳ phần tử nào trong quân đội Pakistan hay các cơ quan tình báo hỗ trợ cho các tổ chức cực đoan và khủng bố.

Trong khi một đảng viên Cộng hòa và là một thành viên cấp cao trong ủy ban, bà Ileana Ros-Lehtinen nói rằng Quốc Hội và chính quyền của tổng thống Obama nhất trí về các mục tiêu toàn diện, thì bà khẳng định rằng những điều kiện như thế sẽ có tính cách phản tác dụng.

Bà Ros-Lehtinen nói: “Tôi e rằng kích thước và mục đích của dự luật vẫn gây ấn tượng là các thành viên Quốc hội là những vị tướng lãnh ngồi ghế bành, và đang cố gắng vi quản lý chính sách của Hoa Kỳ đối với Pakistan ở một thời điểm nhậy cảm khi mà chính quyền này chưa khai triển và đệ trình được một kế hoạch thực thi cho sách lược của mình.”

Bà Ros-Lehtinen nêu ra rằng Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và Chủ tịch ban Tham mưu Liên quân Michael Mullen đã bầy tỏ quan ngại về điều mà họ gọi là mức độ điều kiện và hạn chế đối với tính linh động trong dự luật. Nhưng dân biểu Berman nói rằng các điều kiện đó không cứng nhắc và cũng không phải là không uyển chuyển.

Dự luật quy định quyền miễn trừ mà tổng thống có thể sử dụng để đặt ra những ngoại lệ vì lợi ích của an ninh quốc gia, và loại trừ các hạn chế về viện trợ quân sự của Hoa Kỳ dành cho việc cải thiện khả năng của Binh đoàn Biên giới Pakistan tiến hành các cuộc hành quân chống khủng bố dọc theo biên giới giáp với Afghanistan.

Sự chấp thuận của ủy ban xác lập cuộc tranh luận và một cuộc biểu quyết của toàn thể Hạ viện sau kỳ nghỉ họp sắp tới. Một dự luật tương tự đang chờ được biểu quyết tại Thượng viện.