Hội chợ Mậu dịch Công bằng Thế giới tại New York

Phong trào 'mậu dịch công bằng' là một nỗ lực của quần chúng trên toàn cầu nhằm xác định lại các quan hệ kinh tế giữa những người tạo ra sản phẩm và những nhà trồng trọt, thường là tại các quốc gia đang phát triển, và người tiêu dùng, thường sống tại những nước công nghiệp phát triển phương Tây. Đây không hẳn chỉ là vấn đề lợi nhuận mà còn là những mối tương quan về công bằng xã hội. Vào tháng này, các nhóm vận động cho 'Mậu dịch công bằng' tại hơn 200 quốc gia triệu tập những 'Hội chợ Mậu dịch Công bằng' để nâng cao nhận thức và khích lệ đối thoại. Thông tín viên đài VOA Adam Phillips tham dự cuộc họp ở New York và gửi về bài tường trình sau đây.

Không khí tại Hội chợ Mậu dịch Công bằng thật ấm áp và nhiều mùi vị, với những người bán hàng và những nhà hoạt động tới đây từ khắp nơi trên thế giới, người bán hàng để trưng bày hàng hóa của họ, còn những nhà hoạt động thì để hướng dẫn mọi người về phong trào của họ.

Ông Scott Codley thuộc Liên minh Mậu dịch Tự do New York hãnh diện đứng gần những gian hàng nhiều mầu sắc bày bán đủ loại sản phẩm, từ những con thú nhồi bông làm bằng vải bùn Mali, cho tới những tác phẩm điêu khắc trên kim khí lạ mắt từ Việt Nam gửi tới, và những cái bát làm bằng bột giấy Haiti. Giải thích về Phong trào Mậu dịch Công bằng, ông Codley nói đây là một hệ thống mậu dịch cải tiến, dựa trên cơ sở công lý và công bằng.

Ông Codley cho biết: “Tiến trình toàn cầu hóa trong vòng 25 năm qua đã đưa tới một thực tế là lợi nhuận được coi là quan trọng hơn bất kỳ thứ gì khác. Phong trào Mậu dịch Công bằng đã đưa ra một quan điểm đổi mới khi chủ trương lợi nhuận không phải là điều quan trọng duy nhất. Thật tình đó là tất cả những gì mà phong trào Mậu dịch Công bằng muốn nêu lên. Mậu dịch Công bằng muốn bảo đảm là những người trồng trọt những thứ chúng ta trực tiếp cần đến, chế tạo những vật dụng chúng ta phải lệ thuộc vào, những người đó phải được trả công xứng đáng về sản phẩm của họ.”

Những nhà cổ vũ Mậu dịch Công bằng đặc biệt muốn giúp các gia đình nông gia trồng cà phê và hạt ca cao, những thứ sẽ biến thành sản phẩm hoàn tất của Starbucks và Cadbury và những công ty quốc tế khác.

Ông Codley nói: "Điều xảy ra trong hệ thống mậu dịch thông thường là nông gia không có chọn lựa nào về người mua sản phẩm của mình. Thường chỉ có một người khách đến trại của ông ta 1 lần hoặc 2 lần mỗi mùa và nói, ‘Ông ơi, giá cà phê trên thị trường bây giờ là như vậy đó. Vậy tôi cũng sẽ chỉ trả ông như vậy, 20cents hoặc 30 cents mỗi pound’. Người nông dân chẳng có thông tin gì để đưa ra bất kỳ loại quyết định nào, vậy là ông ta phải bán hàng cho người khách đó nếu không muốn chết đói. Để thay đổi tình trạng này, Mậu dịch Công bằng giúp các nông gia tổ chức thành những hợp tác xã dân chủ, qua mặt những người trung gian vừa nói và đưa thẳng sản phẩm của họ tới những thị trường phương Bắc. Kết quả là họ thu được gấp 3 hoặc gấp 4 lần cái họ thu được trong những tương quan thị trường bình thường.”

Gần đó, vẫn tại Hội chợ New York, bà Jennifer Gray thuộc tổ chức 'Dự Án Tự Trị' bán giày thể thao làm tại những hợp tác xã của 'Mậu dịch Công bằng' tại Pakistan. Hàng hóa của bà còn có những loại quần áo dệt bằng tay từ một hợp tác xã của các bà mẹ một mình nuôi con tại một vùng sa mạc xa xôi bên Peru. Bà cho biết cơ hội làm ra và bán những thứ quần áo này cũng đem thêm lợi nhuận cho các bà mẹ. Trước kia, muốn kiếm thêm, họ phải tìm tới những công việc không thường xuyên lương thấp tại các khách sạn địa phương.

Bà Gray nói: "Vài ngày họ lại nhận được một cuộc gọi, Này, chúng tôi muốn bà tới rửa thùng rác. Một ngày khác, ‘Bà hãy tới dọn phân chó’, hoặc, ‘Bà tới cắt cỏ nhé.’ Đôi khi họ phải làm việc trong 10, 12 hoặc 14 tiếng đồng hồ cho tới khi xong việc bởi vì đó là công việc duy nhất có được và họ cần phải nuôi sống gia đình. Nhưng với hệ thống hợp tác xã Mậu dịch Công bằng, họ có thể tự lập ra thời khóa biểu riêng của mình miễn sao họ thực hiện đúng hạn các đơn đặt hàng, và chúng tôi có thể hợp tác với họ để đảm bảo họ có việc làm. Họ không hề kiếm ra cả núi tiền, nhưng cảm nhận về sức mạnh của mình biết rằng mình là người hữu ích và có thể lo cho gia đình. Tất cả là nhờ 'Mậu dịch Công Bằng'."

Ông Bernard Domingo nói điều cần thiết là học cách làm việc trong tinh thần hợp tác, trong một hệ thống trong đó các thành viên đều hưởng lợi một cách công bằng và được huấn luyện đàng hoàng. Domingo là một nghệ sĩ, ông từng làm những vật dụng mỹ nghệ trưng bày trên mặt bàn, như là xe gắn máy, ngựa, và những thứ khác, từ khi còn là một cậu bé xóm nghèo tại Zimbabwe. Trong những năm mới đây, Domingo huấn luyện cho một nhóm bạn bè làm công việc này, và cũng đã nghĩ tới chuyện họp lại thành một nhóm chứ không làm việc riêng lẻ.

Ông Domingo cho biết: “Việc đầu tiên cần nhớ khi anh làm trong một hợp tác xã, là anh không được quá tham lam. Làm một hợp tác xã có nghĩa tất cả mọi người trở thành một người. Đó là lý do vì sao một số hợp tác xã đã không đi xa được. Bởi vì một người đã trong đó đã thu lợi nhiều quá, thế là những người khác bảo:’Vậy thì tại sao tôi lại phải cố gắng nhiều làm gì’ thế rồi họ đứng lại luôn.”

Theo ông Scott Codley thuộc Liên Hiệp Mậu dịch Công bằng tại New York, người tiêu dùng Mỹ rất muốn hậu thuẫn cho các hoạt động mậu dịch công bằng, nhưng cho tới nay, họ không biết phải làm cách nào.

Ông Codley cho biết: "Họ không có thông tin và khi họ biết được điều xẩy ra tại đầu kia của giây chuyền cung cấp, họ muốn làm một điều gì đó; họ muốn làm một sự thay đổi. Đó là lý do vì sao trong 10 năm mới đây tại Hoa Kỳ bạn đã nhìn thấy sự bùng phát của Phong trào Mậu dịch Công bằng.”

Sau cùng, ông Codley nói, điều gì tốt đẹp cũng là điều công bằng.