Để kỷ niệm Ngày của Mẹ, ngày 10 tháng 5 năm nay, Tổ chức Save the Children, một tổ chức bất vụ lợi cổ vũ cho việc chăm sóc trẻ em quốc tế, đã phổ biến báo cáo 'State of the World's Mothers' tạm dịch là 'Tình hình các Bà Mẹ trên Thế giới'. Theo tường trình của thông tín viên Mohammad Elshinnawi thì báo cáo này có những khuyến nghị cụ thể cho các bà mẹ và các nhà ban hành chính sách nhằm giúp hỗ trợ sự phát triển của trẻ em trong giai đoạn đầu đời. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết trong Câu chuyện Phụ nữ kỳ này với Minh Anh.
Theo báo cáo Tình hình các Bà Mẹ trên Thế giới năm 2009 thì giai đoạn đầu đời của trẻ em, từ lúc lọt lòng mẹ cho tới khi 5 tuổi, là giai đoạn phát triển quan trọng nhất trong đời người. Những gì xảy ra hay không xảy ra trong những năm đầu đời này có thể ảnh hướng đến thời thơ ấu, giai đoạn vị thành niên cũng như giai đoạn trưởng thành của một người. Và đó chính là lý do tại sao người mẹ đóng một vai trò trung tâm trong việc chuẩn bị cho con mình phát huy được mọi tiềm năng của bé.
Bà Judy Jerald là một cố vấn về vấn đề chăm sóc trẻ em những năm đầu đời của tổ chức Save the Children nói: “Không có gì quan trọng hơn là sự gắn bó của người mẹ và em bé; đây là một giai đoạn khởi đầu tốt đẹp nhất trong quan hệ giữa hai mẹ con, và người mẹ là người cần biết cách giáo dục con mình, đó cũng chính là những hoạt động mà tổ chức Save the Children trên khắp thế giới đang cố gắng thực hiện nhằm giúp các bà mẹ tập trung tất cả những gì họ có thể làm cho con cái mình để chúng có thể học hành tốt ở trường. Chúng tôi cũng biết rằng các bà mẹ càng giáo dục và chăm sóc con tốt hơn thì đứa bé có phần chắc là sẽ càng có sức khoẻ tốt hơn và học hành tốt hơn.”
Báo cáo Tình hình các Bà Mẹ trên Thế giới đã tìm hiểu về việc chăm sóc sức khoẻ và sự phát triển của trẻ em trong giai đoạn đầu đời và xác định nơi nào là nơi tốt nhất và nơi nào là tệ nhất trên thế giới để làm mẹ. Theo báo cáo này thì Thuỵ Điển đứng đầu danh sách gồm 158 quốc gia. Niger đứng ở vị trí cuối cùng và Hoa Kỳ đứng thứ 27.
Ông Pablo Stansbery, Giám đốc cao cấp về vấn đề phát triển của trẻ em ở giai đoạn đầu đời của tổ chức Save the Children giải thích về vị trí của Hoa Kỳ như sau: “Một phần là vì Hoa Kỳ không cho phép cha mẹ được nghỉ đủ ít nhất là 1 năm để chăm sóc con cái, không cung cấp đủ tiền phụ cấp trong giai đoạn này. Hoa Kỳ vẫn chưa có được một kế hoạch quốc gia với ưu tiên dành cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Có một số chương trình như chương trình Head Start đã phục vụ được nhiều người nhưng chưa phải là một số lượng thật lớn. Vì vậy có nhiều lý do để Hoa Kỳ đứng sau nhiều nước trong danh sách những nước tốt nhất để làm mẹ.”
Báo cáo cho hay 68% số trẻ học lớp 4 ở Mỹ không đọc được theo đúng trình độ của các em. Báo cáo cho rằng số lượng lớn các em học sinh có nguy cơ không theo kịp chương trình học ở trường cho thấy các em không được chăm sóc và hỗ trợ đầy đủ trong những năm đầu đời.
Báo cáo của tổ chức Save the Children trích một ước tính cho thấy việc đầu tư đáng kể vào sự phát triển của trẻ em ở những năm đầu đời có thể đóng góp thêm cho xã hội 17% hàng năm với việc cải thiện học lực, giảm thiểu chi phí y tế, nâng cao năng xuất lao động và giảm tình trạng tội phạm.
Bà Judy Jerald nói rằng Quốc hội Hoa Kỳ nên hành động nhanh chóng để đưa vấn đề phát triển cho trẻ em ở giai đoạn đầu đời thành một ưu tiên quốc gia.
Bà Jerald nói: “Chúng ta biết là các nước khác đang làm như vậy, chúng ta biết là điều này có thể thực hiện được. Chắc chắn là khi chúng ta xem xét trường hợp những nước như Thuỵ Điển và các nước Bắc âu khác, thậm chí khi chúng ta xét tới những nước kém thịnh vượng hơn như Cuba, Armenia, Cyprus và Azerbaijan chẳng hạn, thì ta thấy là họ có quyết tâm chính trị, họ đầu tư vào trẻ em và những thế hệ trẻ nhất, và đó chính là điều mà Hoa Kỳ cũng cần làm.”
Báo cáo Tình hình các Bà Mẹ trên Thế giới thường niên lần thứ 10 này cho rằng tương lai của nhân loại sẽ phụ thuộc vào việc các bà mẹ ngày nay nuôi dậy thế hệ kế tiếp của chúng ta như thế nào. Ông Pablo Stansbery đưa ra một số khuyến nghị về vấn đề cải thiện sức khoẻ cho các bà mẹ và trẻ em.
Ông Stansbery nói: “Vấn đề đầu tiên cần thực sự chú trọng đó là cần chăm sóc sức khoẻ tốt hơn cho các bà mẹ và con cái họ. Chúng tôi muốn hứơng dẫn và cung cấp thông tin cho các bậc cha mẹ mới có con nhỏ giúp họ có thể đem lại cho con cái họ những cơ hội tốt đẹp nhất để các em đạt được thành công trong tương lai. Chúng tôi cũng muốn mở rộng các cơ hội học tập cho trẻ em bị nhiễm AIDS, trẻ em bị tác động bởi các cuộc xung đột vũ trang, trẻ em là nạn nhân của các vụ thiên tai. Đây là những điều vô cùng quan trọng để các em có thể được đến trường, tiếp tục đi học và đạt thành tích tốt ở trường.”
Ông Stansbery nói rằng Save the Children đặt kỳ vọng lớn vào chính quyền của Tổng thống Obama, đặc biệt là kể từ khi tân Tổng thống nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đầu tư vào sự phát triển trong những năm đầu đời của trẻ em.
Ông nói thêm rằng cho tới nay, gần 5 tỉ đô la đã được trích riêng từ kế hoạch kích thích kinh tế của chính phủ để hỗ trợ các chương trình Early Head Start cho các em nhỏ chưa tới tuổi tới trường. Những chương trình này nhằm hỗ trợ cho các gia đình thu nhập thấp có trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và thai phụ. Nhiệm vụ của chương trình là nhằm giúp tăng cường sức khoẻ trước khi sinh cho các thai phụ, tăng cường sự phát triển của trẻ nhỏ và tăng cường chức năng của một gia đình khoẻ mạnh.
Ông Stansbery hy vọng chính phủ cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ các chương trình dành cho trẻ em trong những năm đầu đời ở các nước khác.
Theo ông Stansbery thì đầu tư vào những chương trình như vậy sẽ có lợi hơn cho an ninh quốc gia của Mỹ bằng cách giúp các bà mẹ trên thế giới nuôi dậy những đứa con khoẻ khoắn và lành mạnh hơn.