30 năm trước khi cùng gia đình rời khỏi Việt Nam lúc quân đội Bắc Việt tiến chiếm Sài Gòn, bà Bình Rybacki không hề nghĩ sẽ có một ngày bà sẽ quay lại mảnh đất này để giúp đỡ trẻ em nơi đây. Nhưng chuyến quay trở lại Việt Nam 18 năm sau đó đã thay đổi cuộc đời bà. Trong chuyến đi giống như định mệnh ấy, bà đã chứng kiến cảnh trẻ em lang thang bán hàng rong trên đường phố, trẻ em hoạt động mại dâm, trẻ em làm hành khất, và cảnh tượng những bệnh nhi không được khám chữa bệnh đầy đủ. Ngay năm đó bà đã quyết định thành lập tổ chức nhân đạo mang tên Children of Peace International – COPI - với mục đích giúp cho những trẻ em này có cuộc sống tốt đẹp hơn. Mời quí vị theo dõi câu chuyện về bà Bình Rybacki và các hoạt động của tổ chức COPI với Minh Anh.
Cũng giống như nhiều gia đình khác, vào tháng 4 năm 1975, khi quân đội Cộng sản Bắc Việt tràn vào Sài Gòn, là lúc cô gái khi đó tên Nguyễn Thị Thanh Bình, mới 18 tuổi, cái tuổi mơ mộng của thời sinh viên, đã phải cùng gia đình vội vã chạy khỏi Việt Nam, chuyến đi không lời từ giã với bạn bè ấy đã để lại trong bà một sự day dứt khôn nguôi.
Bà Bình nói: “Riêng bản thân chúng tôi thì không có lời từ giã, đó là điều mà tôi ân hận nhiều nhất vì nó không có cái kết luận của một quãng đời của mình hay một sự chấm dứt của một đoạn đời nào đó, đó là điều mà tôi nhớ nhiều nhất. Cho đến bây giờ có nhiều người mà tôi không tìm được trong bạn bè, người thân của chúng tôi.”
Gia đình bà phải trải qua những ngày khó khăn sống ở hết trại tị nạn này đến trại tị nạn khác trước khi định cư và bắt đầu một cuộc sống mới ở Hoa Kỳ. Trong những năm đầu định cư ở nơi đây, bà chưa bao giờ từng nghĩ sẽ có một ngày bà trở lại mảnh đất nơi bà đã sinh ra, bởi bà chẳng còn gì ràng buộc nơi đó nữa, chẳng còn gì để tìm kiếm, và trong suy nghĩ của bà lúc đó thì bà rất sợ rằng bà sẽ chẳng thể tìm lại được những điều bà muốn kiếm tìm.
Cho đến năm 1993, khi trở lại Việt Nam để làm phiên dịch cho một nhóm các bác sĩ là bạn bè của bà. Bà đã tìm lại được một số người thân và bắt đầu tìm hiểu về quê hương mình, nhưng chuyến đi đó đã trở thành một chuyến đi thay đổi cuộc đời và là khởi đầu cho một cuộc hành trình mới trong đời bà.
Cảnh tượng những đứa trẻ lang thang trên phố bán những món hàng rong cho những người qua đường, những em bé hành khất, những đứa trẻ không được tới trường, những em bé không được chữa khỏi những căn bệnh có thể dễ dàng được chữa trị ở Mỹ nơi bà sinh sống, đã khiến bà không thể cầm lòng.
Khi tới bệnh viện Nhi Đồng 1, chứng kiến sự qua đời một cách đột ngột của một bệnh nhi đang được chữa bệnh suyễn ở phòng chăm sóc đặc biệt. Bà đã hồi tưởng lại nỗi đau mất con của chính mình. Sự đồng cảm của một người mẹ mất con và lòng trắc ẩn còn nhân lên gấp bội khi bà biết rằng người mẹ của em bé không có đủ tiền để đưa em bé về mai táng.
Tất cả những cảnh ngộ ấy đã thôi thúc bà phải làm một điều gì đó.
Bà Bình cho biết: “Điều khiến tôi trở lại Việt Nam, ngay chuyến đi đầu tiên năm 1993, quê hương của mình còn hơi thô sơ và hơi lủng củng, bây giờ thì hết rồi nhưng thời điểm đó thì tôi thấy các cháu có tệ nạn đi ăn xin rất tội nghiệp, tự nhiên mình là người mẹ mà thấy có con cái lêu thêu ngoài đường thì rất tội nghiệp. Nhưng thú thật nếu không có cháu thứ hai nhà tôi được sinh ra rồi mất đi, thì chắc chắn tôi không thể thấy cảnh khó của người khác, ví dụ như cảnh người mẹ mất đứa con này thì chắc chắn là tôi không thấy.”
Cũng trong chuyến trở về, bà đã cũng đã tìm được một người bạn thân của Mẹ bà, Sơ Tân, Sơ Tân cùng những người khác lúc đó muốn thành lập một cô nhi viện để đưa những trẻ em lang thang trên đường phố về nuôi dưỡng, và hoạt động đầu tiên ở Việt Nam của bà là giúp đỡ các sơ thành lập cô nhi viện.
Sau hoạt động đầu tiên đó, bà Bình đã bắt đầu nhen nhóm ý tưởng thành lập một tổ chức từ thiện mang tên Children of Peace International gọi tắt là COPI. Những năm sau đó, tổ chức của bà đã phát triển cùng với quyết tâm ngày càng cao của bà. Tổ chức COPI đã chính thức được công nhận là một tổ chức phi lợi nhuận vào năm 1996. Vào năm 2002, COPI đã nhận được Huy chương Thế giới vì sự phục vụ cộng đồng do Kiwanis International trao tặng.
Dự án nhỏ đầu tiên của COPI là việc xây dựng một ngôi nhà tình thương cho các em nhỏ ở Việt Trì. Sau đó khi đã có nhiều nguồn lực hơn, COPI đã thực hiện một dự án lớn hơn là hỗ trợ các trang thiết bị y tế cho một bệnh viện ở đây. Vì Tỉnh lúc đó chỉ có khả năng xây bệnh viện nhưng không có đủ nguồn lực để mua sắm các thiết bị cần thiết. Khi được đề nghị giúp đỡ, bà đã cùng các bạn bè ở Mỹ quyên góp được toàn bộ dụng cụ y tế từ giường bệnh cho tới xe đẩy và các trang thiết bị khác cho bệnh viện tỉnh.
Hiện tại COPI đang thực hiện rất nhiều các hoạt động ở Việt Nam như hoạt động y tế cộng đồng, giúp đỡ các em nhỏ ở các trường học và trại trẻ mồ côi ở Việt Nam, trao học bổng cho các em học sinh nghèo, xây dựng bệnh viện và cung cấp các thiết bị y tế cho các bệnh viện ở Việt Nam v.v. Bằng cách này, hay cách khác COPI muốn giúp các em nhỏ được chăm sóc và được có cơ hội để học tập, để phát triển và đạt được thành công trong tương lai.
Mỗi năm 2 lần COPI lại cùng một đội ngũ các tình nguyện viên đi đến nhiều tỉnh thành ở Việt Nam để khám chữa bệnh cho những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là ở các vùng nông thôn nghèo ở Việt Nam. Những thành viên trong đội tình nguyện gồm có các bác sĩ, y tá Mỹ và Việt Nam, các sinh viên và những người sẵn sàng dành thời gian để tham gia vào các chuyến đi kéo dài hơn hai tuần này.
Bà Bình cho biết về hoạt động này: “Những nơi xa xôi hẻo lánh của thôn quê Việt Nam nhiều khi nhà thương ở xa nhà thương tỉnh, còn những bệnh xá nhỏ thì không có đủ điều kiện. Người Việt Nam nhiều khi họ lo làm ăn quá, họ quên mất hoặc họ không có đủ khả năng đi khám bệnh hàng năm chứ chưa nói gì hàng tháng. Họ cũng không có đi chữa răng, từ đó về sau chúng tôi bắt đầu chương trình đi khám bệnh vào tháng 7 năm 1997, và mỗi năm chúng tôi đi 2 lần."
Bà Bình cũng rất biết ơn nhiều bạn bè cả ở Mỹ và Việt Nam đã dành thời gian, công sức tình nguyện tham gia vào các hoạt động ở COPI ở Việt Nam.
Bà Bình nói: “Ðiều mà tôi thương nhất về công việc của tôi là chúng tôi có một nhóm bạn bè từ Lào Cai cho đến Cà Mau, các anh chị là người Việt Nam, là bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên, nha sĩ, một khi họ biết được, họ chỉ nghe lời đồn đại của bạn bè thôi, một người đi về nhà nói cho mười người, các anh các chị đã làm đơn để đi theo hội.”
COPI cũng đã nhận được những khoản đóng góp tài chính bất ngờ và xúc động như trong câu chuyện mà bà kể về các học trò mà bà dạy kèm. Trong một lần họ đã hỏi Bà rằng bà ước làm được điều gì ở Việt Nam, bà đã nói rằng bà ước sẽ xây được một ngôi trường ở làng Đại Nghĩa, nơi không có trường cấp II, và các em học sinh phải đi đò rất nguy hiểm qua sông mới tới được trường học. Sau đó các em đã quyết định ngồi lại với nhau để tìm cách giúp bà biến ước mơ thành hiện thực.
Bà Bình nói: “Ba năm ròng rã, có đứa đi cắt cỏ, có đứa đi tưới cây, có đứa đi tắm cho mèo, cho chó, có đứa đi rửa xe, có đứa đi nướng bánh để bán, có em đi giữ trẻ, nó đến và nói với tôi chúng con tìm mọi cách hợp pháp để đi làm việc, bây giờ chúng con có 27 nghìn để cô đi về xây trường. Mình tưởng tượng là trẻ con nghe được cái khó mà nó làm mà mình là người lớn mà mình không làm được thì quá ư là vô lý. Vì vậy chúng tôi bắt đầu về đi xây trường, xây bệnh xá, trao học bổng."
Bà Bình hy vọng một ngày nào đó, ở Việt Nam sẽ không còn trẻ em lang thang, bà mong mỏi rằng những người mẹ đã sinh các em ra thì hãy có trách nhiệm với các em hơn, hãy dành cho các em những gì tốt đẹp nhất, bởi trẻ em chính là tương lai của đất nước như những biểu ngữ mà bà thấy khắp Việt Nam 'trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai'. Bà mong rằng đây không chỉ là những khẩu hiệu sáo rỗng mà sẽ là những điều mà tất cả mọi người cùng chung tay thực hiện.
Cảm ơn bà Bình Rybacki đã dành thời gian cho chuyên mục Câu Chuyện Phụ nữ của chúng tôi, cảm ơn bà và tổ chức COPI đã mang lại những mái ấm tình thương và những điều ý nghĩa cho trẻ em nghèo ở Việt Nam. Nếu quí vị quan tâm đến các hoạt động của COPI, hoặc muốn tham gia vào các hoạt động của tổ chức, quí vị có thể tham khảo thêm tại trang web: http://www.childrenofpeace.org