Australia kêu gọi TQ ngừng hỗ trợ chính quyền quân nhân Fiji

Australia đã gây sức ép để Trung Quốc giảm bớt sự hỗ trợ cho chính quyền quân nhân Fiji trong lúc dẫn đầu một nỗ lực quốc tế nhằm tẩy chay chính phủ của Đề đốc Frank Bainimarama. Tuy nhiên, chính phủ ở Bắc Kinh đã âm thầm gia tăng viện trợ cho đảo quốc vùng Nam Thái Bình Dương này. Từ Sydney, thông tín viên Phil Mercer của đài VOA có bài tường thuật chi tiết sau đây.

Nhiều người ở Australia e rằng việc Trung Quốc dùng tiền bạc như một công cụ ngoại giao ở vùng Nam Thái Bình Dương gây phương hại cho những nỗ lực của quốc tế nhằm cô lập chính quyền quân nhân ở Fiji.

Kể từ khi binh lính của Đề đốc Frank Bainimarama tiếm quyền năm 2006 đến nay, khoản viện trợ của Bắc Kinh dành cho Fiji đã tăng gấp bảy lần, lên tới 160 triệu đô la.

Lâu nay Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách là dùng tiền để giành phần thắng trong trận chiến ngoại giao với Đài Loan nhằm tranh thủ sự ủng hộ và thừa nhận của các đảo quốc vùng Nam Thái Bình Dương.

Ông Fergus Hanson, một nhà nghiên cứu của Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Australia, cho rằng quân đội Fiji muốn lợi dụng sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Ông Ferguson nói: "Trong lúc cộng đồng quốc tế gây áp lực với Fiji sau cuộc đảo chánh và ngày càng cô lập chính quyền ở đây, các nhân vật lãnh đạo cuộc đảo chánh đã ra sức tìm kiếm các khoản tài trợ và rõ ràng là họ đã tìm cách lợi dụng sự tranh giành giữa Trung Quốc và Đài Loan để hưởng lợi. Tôi nghĩ rằng đó chính là động cơ lúc ban đầu. Giờ đây Trung Quốc và Đài Loan đã hoà hoãn với nhau đôi chút nên tôi nghĩ rằng tình hình có thể đã bắt đầu thay đổi."

Các giới chức Australia và New Zealand đã trình bày mối quan tâm của họ với Trung Quốc về sự hỗ trợ của nước này cho Fiji.

Hai chính phủ ở Canberra và Wellington tin rằng một cách tiếp cận có phối hợp của quốc tế đối với vấn đề nền dân chủ Fiji bị phá vỡ là cách tốt nhất để thuyết phục Đề đốc Bainimarama từ bỏ quyền hành.

Fiji đang phải đối mặt với việc bị tạm ngưng tư cách hội viên của Khối Thịnh vượng chung của các cựu thuộc địa Anh và của Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương, một tổ chức thương mại và chính trị then chốt trong khu vực. Nhưng điều này dường như không làm cho quân đội Fiji cảm thấy lo lắng.

Trong vụ rối loạn mới nhất xảy ra hồi đầu tháng này, Tổng thống của Fiji đã hủy bỏ hiến pháp sau khi các vị thẩm phán đưa ra phán quyết cho rằng việc quân đội lên nắm quyền là bất hợp pháp. Các thẩm phán đó đã bị cách chức, vị thế của quân đội đã trở nên mạnh hơn và một số sĩ quan cao cấp nói rằng phải mất hơn 5 năm nữa mới có thể tổ chức bầu cử.

Quân đội đã tiếm quyền ở Fiji cách nay gần hai năm rưỡi với lý do là chính phủ dân cử của Thủ tướng Laisenia Qarase tham nhũng và có chính sách kỳ thị khối người thiểu số gốc Ấn Ðộ.

Đề đốc Bainimarama tuyên bố rằng hệ thống chính trị Fiji cần được dọn sạch trước khi có thể phục hồi dân chủ.

Những người chỉ trích nói rằng viên tư lệnh quân đội Fiji này là một kẻ độc tài hung hãn và đang đưa đảo quốc với 800,000 dân tiến tới chỗ suy sụp kinh tế và bị cô lập trên trường quốc tế.