Phải làm gì khi bé chậm nói, phát âm sai?

Trả lời trường hợp bé trai 3 tuổi chậm nói và phát âm sai. Theo phụ huynh thì chúng ta biết sơ lược bé 3 tuổi mạnh khỏe về thể chất, chỉ có chậm nói, thay phụ âm 'mờ' bằng phụ âm 'tờ, chờ', và hay phá. Bác sĩ nói em vì lưỡi ngắn nên nói chậm.

Tính theo phát triển trung bình ở Mỹ, trẻ em 3 tuổi thì có ngữ vựng chừng 500 từ trở lên, có khả năng dùng 3-4 từ trong một câu. Trong tiếng Mỹ, thì các cháu biết phân biệt số nhiều số ít (plural), ví dụ 'cat' và 'cat, thì hiện tại với thì quá khứ (past tense) và biết phân biệt 'I, me, you'. Tiếng Việt thì hơi khác vì chúng ta không phân biệt số ít hay nhiều, không chia các động từ, ví dụ chúng ta nói: 'hôm qua con đi chơi, hôm nay con đi chơi, mai mình đi chơi' cũng giống nhau, ngôi thứ thì phức tạp hơn: đứa bé có thể xưng là 'con, cháu', xưng bằng tên (thay vì chỉ I, me) và người đối thoại có thể là 'ba', mẹ, cô cậu...cho nên có thể đòi hỏi khả năng phân biệt nhiều hơn để gọi đúng ngôi thứ. Cha mẹ người Việt rất để ý đến vấn đề xưng hô cho đúng ngôi thứ này nên thường dạy dỗ rất kỹ và có thể dễ sốt ruột nếu cháu bé không nắm vững được khả năng này vì quá khó.

Trẻ 3 tuổi biết trả lời câu hỏi: Của ai (Whose), ví dụ 'Cái xe của ai?', ai (who), ví dụ: con đi chơi với ai?, tại sao (why), ví dụ: tại sao con khóc?, bao nhiêu (how many)(mấy? how many?), ví dụ: con có mấy cái kẹo?

Bé 3 tuổi vẫn còn phát âm trật nhiều âm (mispronunciations), như nói 'con cọp' là 'con bọp' (cờ và bờ), và trong trường hợp này bé đọc phụ âm 'mờ' thành 'chờ'.

Thường khả năng phát âm (articulation skill) được phát triển hoàn chỉnh ở khoảng 5 tuổi. Lúc 3 tuổi bé có khả năng nói chuyện , đối thoại đơn giản với người lớn và mặc dù những lỗi về phát âm thường gặp, người nói chuyện không phải là người gia đình có thể hiểu hầu hết những gì bé nói, như người Việt chúng ta cũng có câu 'thỏ thẻ như trẻ lên ba', mặc dầu 3 tuổi của chúng ta có thể chỉ là từ 2-3 tuổi tính theo kiểu Mỹ. Đến bốn tuổi bé dùng những câu 4-5 chữ với những câu (sentence ) hoàn chỉnh hơn.

Ở Mỹ trên 5 tuổi mà vẫn phát âm sai (mispronunciations), bé được giới thiệu tới chuyên khoa về bịnh lý về phát âm và ngôn ngữ (speech language pathologist) để định bịnh và chữa trị nếu cần.

Trường hợp bé ở đây, bác sĩ nói là bé lưỡi ngắn nên nói chậm. Trước đây ở Mỹ người ta cũng tin tương tự như vậy. Dưới lưỡi có một bộ phận nhỏ gọi là frenulum (là cái phanh, cái thắng) là một sợi gân mỏng, lưỡi liềm, giữ cái đầu lưỡi xuống sàn miệng. Người ta tin rằng nếu cái frenulum ngắn, bé nói chậm và nhờ bác sĩ cắt cái dây này đi, một thủ thuật khá giản dị. Hiện nay, đa số bác sĩ không tin vào chuyện này nữa, và cho rằng sự phát triển về ngôn ngữ tùy thuộc về mức phát triển về thần kinh và về sự vận đông phối hợp của các bắp thịt (cơ/muscle liên hệ).

Tuy nhiên, một số bác sĩ ở Nam Triều Tiên vẫn còn cắt cái frenulum này hy vọng để trẻ em Triều Tiên lỏng lưỡi, nói tiếng Mỹ cho đúng giọng. Nói chung, nếu em bé lè lưỡi ra mà đầu lưỡi đi ra quá răng cửa thì không cần can thiệp. Về trường hợp em bé ở đây, nếu trở ngại chính là em phát âm 'mờ' không đúng, thì đây là một phụ âm môi (labial consonant), lưỡi không phải là yếu tố chính. Nếu muốn tập cho em phát âm 'Mẹ' thì có thể tập cho em bằng cách cho em quan sát cách mình ngậm môi lại lúc nói 'mờ', lấy tay đẩy nhẹ hàm dưới, tay kia vuốt hai má ra phía trước, để miệng em khép lại lúc phát âm 'mờ'.

Tóm lại, nếu so với những tiêu chuẩn phát triển nói trên, em không lọt ra xa ngoài mức bình thường,thì vài lỗi phát âm cũng có thể chấp nhận được không có gì đáng lo. Nếu có thể, nên em đến bác sĩ răng hàm mặt hoặc nha sĩ xem có gì bất thường không.

Ở Mỹ, những trẻ gặp vấn đề về phát triển (developmental disorders) được giới thiệu đến những chương trình gọi là EI (early intervention program) và được khảo sát, định bịnh và dạy phát âm miễn phí. Ở Việt nam, phụ huynh, cô giáo có thể bỏ thì giờ tập cho em phát âm đúng hơn. Nếu vẫn thấy lo ngại, nhất là nếu có những phát âm sai sau 5 tuổi, nên tham khảo những chuyên viên trị liệu về (speech therapist) nếu có thể được.

Chúc em bé và gia đình may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền.