Kế hoạch để cho một công ty Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã làm bùng ra một làn sóng chỉ trích công khai hiếm thấy ở Việt Nam từ những người cho rằng lợi ích kinh tế của dự án không thể nào bù đắp cho những thiệt hại về môi trường và xã hội.
Theo tường thuật hôm 19 tháng Tư của hãng thông tấn Pháp, nhiều người Việt Nam còn cho rằng kế hoạch mà các nhà lãnh đạo của chính quyền Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc đạt được rốt cuộc có thể khiến cho khu vực chiến lược này của Việt Nam rơi vào tay Trung Quốc.
Chính phủ Việt Nam ước tính rằng Tây Nguyên có trữ lượng bauxite 5 tỉ 500 triệu tấn và đây là một sự kiện hấp dẫn đối với các đại công ty khoáng sản.
Năm 2007, giới hữu trách Việt Nam phê chuẩn một kế hoạch bao gồm hai dự án qui mô lớn do Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, là công ty quốc doanh gọi tắt là Vinacomin, thực hiện.
Một công ty con của công ty nhôm Trung Quốc có tên là Chinalco được dành cho một hợp đồng để khai thác một mỏ, trong khi hợp đồng về mỏ kia được giao cho một liên doanh giữa công ty nhôm Alcoa của Mỹ với Vinacomin.
Tuy nhiên, mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lịch sử đã khiến nhiều người Việt Nam xem sự hiện diện của Trung Quốc ở Tây Nguyên là một mối đe dọa.
Nhà văn Nguyên Ngọc, người có nhiều tác phẩm nói về Tây Nguyên, cho rằng khu vực này có nguy cơ bị 'Hán hóa'. Ông cho rằng ai làm chủ Tây Nguyên sẽ làm chủ miền nam bán đảo Đông Dương. Ông nói thêm rằng dự án bauxite tạo ra nhiều vấn đề về tài chánh, môi trường và xã hội nhưng vấn đề quan trọng hơn hết là vấn đề an ninh và độc lập của đất nước.
Trong một nước cai trị theo chế độ độc đảng và hiếm khi xảy ra những vụ phản kháng công khai, các nhà khoa học và các cựu chiến binh Việt Nam đã bắt tay với những người mạnh mẽ chỉ trích chế độ để lên án các kế hoạch của chính phủ.
Trong kiến nghị với chữ ký của 135 trí thức nộp cho quốc hội hôm thứ sáu vừa qua, những người chỉ trích kế hoạch khai thác bauxite Tây Nguyên nói rằng trên thế giới hiện nay Trung Quốc là nước nổi tiếng về việc gây ô nhiễm và những vấn đề khác.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói rằng các dự án khai thác bauxite sẽ giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội ở Tây Nguyên; và theo ước tính của chính phủ Việt Nam, các dự án này sẽ có tổng vốn đầu tư hơn 10 tỉ đô la và đến năm 2015 sẽ sản xuất từ 13 đến 18 triệu tấn nhôm mỗi năm. Nhưng những người chỉ trích cho rằng lợi ích tài chánh mà Việt Nam có được sẽ rất hạn chế.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người nổi tiếng nhất trong số những người chỉ trích kế hoạch này. Trong các lá thư công khai gởi cho chính phủ, vị tướng năm nay 97 tuổi này cảnh báo về mối đe dọa đối với môi trường, đời sống của người dân thiểu số và an ninh quốc phòng của Việt Nam.
Hòa Thượng Thích Quảng Độ, người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị cấm hoạt động, cũng đã kêu gọi dân chúng lên án 'những tác động có tính chất hủy diệt' của dự án này đối với người Thượng ở Tây Nguyên.
Vị tu sĩ này nói thêm rằng sự hiện diện thường trực của Trung Quốc ở Tây Nguyên tạo ra một mối đe dọa đáng báo động cho an ninh quốc gia.