Bắc Triều Tiên đã phản ứng một cách tức giận trước việc LHQ lên án cuộc thử nghiệm hỏa tiễn tầm xa của nước này mới đây. Với tuyên bố các cuộc đàm phán đa quốc gia về giải trừ quân bị chỉ là ‘vô ích’, chính phủ Bình Nhưỡng cho biết sẽ tái khởi động các chương trình hạt nhân và tăng cường kho vũ khí hạt nhân của nước này. Từ Hán Thành, thông tín viên đài VOA Kurt Achin có bài tường thuật sau đây.
Hôm nay, Bắc Triều Tiên tỏ quyết tâm quay trở lại chương trình vũ khí hạt nhân của mình, để đáp lại điều mà họ gọi là sự lạm dụng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có tính cách ‘cướp bóc’.
Bình Nhưỡng cho rằng tuyên cáo của chủ tịch Hội đồng Bảo an chỉ trích vụ phóng tên lửa trước đó của đã ‘hạ phẩm giá’ của người dân Bắc Triều Tiên.
Một phát thanh viên Bắc Triều Tiên đọc thông cáo của Bộ Ngoại giao nước này nói rằng các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên là ‘không cần thiết’, và nói rằng Bắc Triều Tiên sẽ không tham gia các cuộc đàm phán đó nữa.
Thông cáo nói tiếp rằng Bắc Triều Tiên sẽ tái khởi động cơ sở hạt nhân chính của nước này, vốn đã bị vô hiệu hóa theo một thỏa thuận trước đó, cũng như tái chế biến các thanh nhiên liệu hạt nhân còn nằm trong kho thành các nguyên liệu có thể sử dụng nhằm tăng cường cái nước này gọi là ‘sự phòng thủ hạt nhân’ của mình.
Vài giờ trước đó, các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong đó có Trung Quốc, đã nhất trí lên án vụ thử tên lửa của Bắc Hàn qua lãnh thổ Nhật Bản cách đây hai tuần. Tuyên bố của Hội đồng kêu gọi các thành viên Liên Hiệp Quốc thận trọng hơn trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng sau khi Bắc Hàn tiến hành vụ thử hạt nhân năm 2006.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên Moon Tae-young nói Hán Thành sẽ tuân thủ lời kêu gọi này.
Người phát ngôn này nói rằng Nam Triều Tiên sẽ hợp tác với các quốc gia khác trong việc thực thi bất kỳ biện pháp cụ thể nào mà Ủy ban trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đề nghị.
Hán Thành dự kiến sẽ sớm nâng cấp tham gia toàn diện vào Sáng Kiến An ninh Chống Phổ biến Hạt nhân, viết tắt là PSI. Đây là một tổ hợp gồm 90 quốc gia do Mỹ đứng đầu nhằm phối hợp các biển pháp tự nguyện để ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Bắc Triều Tiên đã vô hiệu hóa cơ sở hạt nhân chính của nước này trong khuôn khổ thỏa thuận ngoại giao sáu bên hồi năm ngoái. Ông Dan Pinkston, một nhà phân tích kỳ cựu của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế có trụ sở ở Hán Thành, cho rằng Bình Nhưỡng có khả năng đưa cơ sở hạt nhân Yongbyon hoạt động trở lại, nhưng sẽ phải mất thời gian.
Ông Pinkston nói: “Họ có thể tái xây dựng các cơ sở đó. Sẽ mất một hoặc hai năm hay thậm chí có thể lâu hơn. Dẫu vậy, nếu họ quyết tâm, họ có thể tái xây dựng các cơ sở hạt nhân ở Yongbyon.”
Các giới chức Nam Triều Tiên nói rằng họ vẫn lạc quan rằng có thể thuyết phục Bắc Triều Tiên cuối cùng quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân sáu bên.