Thái Lan: Căng thẳng chính trị tăng vọt vì biểu tình

Những mối căng thẳng chính trị tại Thái Lan tăng vọt sau khi những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đẩy mạnh các cuộc biểu tình tại thủ đô Thái và chặn những trục lộ chính. Theo tường trình của thông tín viên đài VOA Ron Corben từ Bangkok, người biểu tình dọa sẽ có hành động mạnh hơn nếu chính phủ không chịu từ chức.

Hôm nay, các tài xế taxi ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra đã chặn những giao lộ chính tại Thủ đô Bangkok. Cuộc phong tỏa này chỉ làm trầm trọng hơn tình trạng kẹt đường vốn vẫn tệ hại tại thành phố này và kéo dài thời gian giao thông trong giờ cao điểm.

Lực lượng thân Thaksin, phần lớn mặc áo đỏ đòi Thủ tường Abhisit Vejjajiva từ nhiệm.

Ông Abhisit, đang lãnh đạo Đảng dân chủ trong chính phủ liên hiệp, đã bác bỏ yêu sách vừa nói.

Ông Buranaj Smutharak, phát ngôn viên Đảng dân chủ nói những cuộc phản kháng có thể tiếp tục nếu diễn ra yên tĩnh và không phạm luật. Nhưng ông cũng nói chính phủ đang cứu xét những biện pháp để ngăn ngừa bạo động.

Ông Buranaj nói: “Nếu có lúc rõ ràng họ định hủy hoại tài sản công hoặc tư hoặc gây bất ổn thì họ sẽ bị đối phó theo luật định. Nhưng đồng thời, Chính quyền cũng tìm cách ngồi xuống thương thảo với họ.”

Các cuộc biểu tình phản đối đã khởi sự từ tháng 3, và ông Thaksin, chạy ra khỏi nước từ năm ngoái để né tránh bị truy tố về tội tham ô, vẫn thường nói chuyện với những người phản đối qua video. Oâng bị lật đổ trong 1 cuộc đảo chánh hồi 2006.

Các cuộc phản kháng hiện tại tiếp theo những cuộc biểu tình tương tự hồi năm ngoái, chống lại ông Thaksin. Những người này mặc áo vàng, chiếm 1 tòa nhà chính phủ và chiếm các phi trường Bangkok trước khi tòa án đưa ra phán quyết bãi nhiệm một chính phủ có liên hệ với ông Thaksin.

Ông Chris Baker, một tác giả và bình luận gia về chính sự Thái nói rằng nếu các lực lượng thân Thaksin gia tăng các cuộc biểu tình, thì có thể châm ngòi cho các cuộc bạo động, dẫn tới việc quân đội can thiệp vào chính sự.

Ông Baker nói: “Rõ ràng là quân đội đã có thái độ rất khác biệt với các cuộc biểu tình của phe áp đỏ so với phe áo Vàng hồi trước. Họ đã nói họ sẽ không dung thứ các cuộc biểu tình như đối với các cuộc biểu tình hồi năm ngoái. Như vậy phải có một điểm phân biệt.”

Thái Lan ngày càng trở nên chia rẽ từ lúc ông Thaksin lên nắm quyền lần đầu vào năm 2001, với hậu thuẫn của dân nghèo thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, dân trung lưu tại thành thị thì lại chống đối ông, tố giác ông là tham ô và chuyên quyền.

Các nhóm thân Thaksin đã dọa sẽ tổ chức các cuộc biểu tình tại địa điểm hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ở một khu nghỉ mát bên bờ biểu gần Bangkok. Chính phủ cho biết cuộc họp vẫn xúc tiến, bất kể lời đe dọa của những người biểu tình muốn gây trở ngại cho hội nghị.