Tổng Thống Hoa Kỳ ông Barrack Obama nói rằng ông muốn có quan hệ tốt hơn với các nước Hồi giáo nói chung, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ. Theo bài tường trình của Thông Tín Viên đài VOA Paula Wolfson gửi về từ Ankara, ông Obama muốn dùng bài diễn văn trước Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ để cố hàn gắn các quan hệ căng thẳng do cuộc chiến tranh tại Iraq gây ra.
Tổng Thống Hoa Kỳ nói rằng ông có lý do để đến Thổ Nhĩ Kỳ vào chặng cuối cùng trên chuyến du hành ra nước ngoài lần đầu tiên kể từ khi giữ chức Tổng Thống.
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói: “Một số người hỏi tôi liệu tôi có chọn Ankara và Istanbul để chuyển một thông điệp đến thế giới hay không. Câu trả lời của tôi đơn giản là ‘có’.”
Trước các đại biểu Quốc Hội của Thổ Nhĩ Kỳ Tổng Thống Obama nói rằng không những ông muốn tái lập sự tin cậy giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ mà còn giữa Hoa Kỳ và các nước Hồi giáo.
Tổng thống Obama nói: “Tôi xin nói thật rõ ràng như thế này: Hoa Kỳ không gây chiến và sẽ không bao giờ gây chiến với Hồi giáo.”
Ông nói tiếp rằng Hoa Kỳ mưu tìm sự hợp tác dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, và có sự kính trọng lẫn nhau. Ông hứa sẽ lắng nghe và tìm những điểm chung, kể cả trong những lĩnh vực có những bất đồng sâu xa.
Tổng thống Obama nói: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục kính trọng các nước Hồi giáo, cho dù chúng ta có chuyện bất đồng. Và chúng tôi chuyển lời cảm tạ đến niềm tin Hồi giáo, là tôn giáo từ nhiều thế kỷ qua đã có rất nhiều thành tích đóng góp cho thế giới, kể cả nước tôi. Đất nước Hoa Kỳ được phong phú thêm nhờ những công dân Mỹ theo Hồi giáo. Trong gia đình người Mỹ có nhiều bà con là người Hồi giáo, nhiều người Mỹ đã sống trong các quốc gia có nhiều người Hồi giáo. Tôi biết điều này, vì tôi là một trong những người đó."
Tòa Bạch Ốc nói rằng đây không phải là bài diễn văn dành cho các nước Hồi giáo đã được chờ đợi từ lâu, mặc dù nó được xem là một phần nỗ lực của Tổng Thống muốn nhắm đến những người theo Hồi giáo. Phần lớn bài diễn văn đặc biệt nhắm đến quan hệ giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng Thống Obama nói Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng và là thành viên quan trọng của châu Âu. Ông nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò bắc cầu cho các nền văn hóa, và có một vị trí độc đáo, vì tuy là nước có đông dân và có 99% theo Hồi giáo , nước này vẫn là một quốc gia thế tục.
Ông nói tiếp với các đại biểu Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ: “Sự vĩ đại của Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở chỗ quí vị là trung tâm của nhiều vấn đề quan trọng. Thổ Nhĩ Kỳ không phải là nơi phân chia giữa Đông và Tây. Thổ Nhĩ Kỳ là nơi mà Đông và Tây gặp nhau.”
Ông Obama nói rằng ông ủng hộ chuyện Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, vấn đề này đang bị Đức và Pháp chống đối. Ông cho rằng Liên Hiệp Châu Âu không có gì phải lo sợ, ngược lại, liên hiệp này còn có lợi khi thâu nhận Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nhận định: “Châu Âu sẽ được lợi thêm bằng sự đa dạng về sắc tộc, truyền thống và đức tin, thay vì bớt đi. Một khi Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập thì nền móng của châu Âu được nới rộng và củng cố thêm.”
Không những Tổng Thống Hoa Kỳ nói về tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ mà còn quá khứ, có ý muốn nói đến giai đoạn gây nhiều tranh luận nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ, đó là sự kiện dưới triều đại Ottoman, người Thổ Nhĩ Kỳ đã tàn sát người Armenia vào năm 1915.
Các nhà sử học gọi sự kiện này là cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng người Armenia là nạn nhân của một cuộc nội chiến, và cả 2 phía đều bị thiệt hại nhân mạng rất nhiều.
Trước khi làm Tổng Thống, ông Obama tuyên bố sẽ ký nghị quyết đang nằm chờ ở Quốc Hội, về cuộc diệt chủng nhắm vào người Armenia.
Nhưng tại Ankara, ông nói ông sẽ gác lại ý kiến cá nhân trong vấn đề này qua một bên và sẽ để cho người Thổ Nhĩ Kỳ và người Armenia tự giải quyết với nhau.
Tổng thống Obama nói: “Chúng ta sẽ hợp tác để giải quyết các vấn đề này theo hướng mà 2 phe quan trọng nhất, là Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia, có thể hòa giải được với nhau trong tình thần xây dựng.
Tổng Thống Obama không hề sử dụng từ 'diệt chủng' trong suốt thời gian có mặt tại thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông lưu ý là đang có các cuộc thảo luận giữa các bên liên quan, và ông hy vọng các cuộc thảo luận này sẽ mang lại kết quả tốt.