Nền kinh tế của Thái Lan, vốn đã được dự báo sẽ co cụm trong năm 2009, lại đang phải đối mặt với thêm áp lực vì những cuộc biểu tình chống chính phủ. Các chuyên gia phân tích chính trị và kinh tế cảnh báo rằng đấu tranh chính trị có thể gây trì hoãn cho các kế hoạch kích thích kinh tế quan trọng. Từ Bangkok, thông tín viên Ron Corben của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.
Những người ủng hộ thủ tướng Thaksin Shinawatra đã bao vây tòa nhà chính phủ chính cả một tuần lễ. Có tới 30,000 người, đa số mặc màu đỏ, tham gia các cuộc biểu tình mỗi ngày. Các cuộc biểu tình này là một sự lập lại các cuộc biểu tình chống Thaksin đã kéo dài 6 tháng hồi năm ngoái.
Mỗi đêm, ông Thaksin nói chuyện với các ủng hộ viên qua đường dây liên lạc bằng video, kêu gọi họ buộc thủ tướng Abhisit Vejjajiva tổ chức các cuộc bầu cử.
Ông Abhisit lên nắm quyền hồi tháng 12 sau khi các vấn đề pháp lý buộc một chính phủ thân Thaksin phải rời chức.
Ông Thaksin đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006 và đã bỏ trốn khỏi Thái Lan hồi năm ngoái để tránh bị truy tố về tội tham nhũng.
Các cuộc biểu tình mới diễn ra vào một thời điểm xấu cho Thái Lan, mà nền kinh tế đã bị thiệt hại nặng nề trong năm ngoái, khi những người biểu tình chống Thaksin phong tỏa các phi trường của Thái Lan và làm tê liệt kỹ nghệ du lịch của nước này.
Ngân hàng Phát triển Á Châu dự báo nên kinh tế sẽ co cụm 2 phần trăm trong năm nay. Nhưng ông Jean Pierre Verbiest, giám đốc ADB tại Thái Lan, nói rằng tình hình bất ổn chính trị sẽ gây trì hoãn cho kế hoạch kích thích kinh tế 3 tỷ đôla của chính phủ.
Ông Verbiest nói: “Rõ ràng, với nên kinh tế ở Thái Lan thì rủi ro chính là tình hình chính trị. Nếu bị gián đoạn nghiêm trọng trong giới lãnh đạo ở giai đoạn này thì sẽ có một ảnh hưởng rất mạnh. Trong nước, vì tình hình chính trị, tôi nghĩ ta có thể thấy mức tăng trưởng sụt giảm thêm xuống còn 4% hay 5% một cách dễ dàng.”
Là nước lệ thuộc mạnh vào xuất khẩu để tăng trưởng, Thái Lan đang đối mặt với tình hình suy thoái trầm trọng nhất trong 1 thập niên. Cuộc suy thoái này dự trù sẽ khiến 2 triệu người mất công ăn việc làm.
Chính phủ cho biết sẵn sàng đàm phán với ông Thaksin để chấm dứt cuộc vây hãm tòa nhà chính phủ và tránh gây bất ổn làm thiệt hại cho nền kinh tế.
Chính sự Thái Lan đã ở trong tình trạng bất định hơn 3 năm nay. Tuy ông Thaksin được lòng giới nông gia và cử tri thuộc tầng lớp lao động, nhiều người thuộc giới trung và thượng lưu tố cáo ông là tham nhũng và lạm quyền.
Thái Lan đã có 4 chính phủ từ năm 2006, là lúc ông Thaksin bị lật đổ.