Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong quí đầu năm nay đã giảm xuống mức thấp nhất trong một thập niên qua, xuống còn 3,1% một năm khi nền kinh tế định hướng xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhu cầu nhập khẩu trên toàn cầu cũng như nguồn vốn đầu tư nước ngoài suy giảm.
Tờ Financial Times hôm thứ năm đưa tin những con số ước tính mới của chính phủ cho thấy đây là mức độ sụt giảm mạnh so với mức 7,4% một năm trong quí đầu trong năm ngoái, và mức độ này một phần phản ánh cả sự giảm sút 5% của kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm cũng như sự suy yếu của nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI – đã giảm 70% trong 3 tháng đầu năm nay.
Những chỉ số của quí đầu năm nay thấp hơn so những gì mà nhiều phân tích gia đã dự đoán. Chính phủ vẫn hy vọng tốc độ tăng trưởng cả năm sẽ đạt từ 5% đến 6%, mức này cũng giảm so với dự báo hồi cuối năm ngoái là 6,5%.
Dự báo mới này của chính phủ cũng tương đối giống với dự báo của Ngân hàng Thế giới nhưng cao hơn mức mà Quĩ Tiền tệ Quốc tế gần đây đã thay đổi xuống còn 4,75%.
Chính phủ Việt Nam vẫn khá lạc quan về mức mức độ tăng trưởng này và nói trong một tuyên bố rằng chỉ số này được xem là một mức độ tăng trưởng tích cực xét đến bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.
Xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ co cụm 7% trong năm nay. Tuy nhiên, một số phân tích gia cho rằng Việt Nam, một trong những nước có mức chi phí lao động thấp nhất thế giới, vẫn sẽ có cơ may. Họ tin rằng khi người tiêu dùng chuyển sang mua loại hàng hóa giá rẻ hơn để tiết kiệm chi phí thì những nước như Việt Nam sẽ bị tác động ít nặng nề hơn là những đối thủ cạnh tranh có chi phí xuất khẩu cao hơn.
Và đã có một số bằng chứng hiện đã có thể nhìn thấy rõ. Trong khi xuất khẩu của Việt Nam giảm 5% trong hai tháng đầu năm nay thì Thái Lan, nơi những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo là những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất như hàng điện tử và xe hơi, đã chứng kiến sự sút giảm xuất khẩu lên tới 30% trong tháng Giêng, và 24,5% trong tháng Hai.