Quĩ Tiền tệ Quốc tế – IMF - đã giảm mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống còn 4,75% trong năm nay và nói rằng nền kinh tế một thời tăng trưởng mạnh của Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể và có thể sẽ tăng trưởng chậm hơn nữa.
Trong khi đó chính phủ Việt Nam đặt chỉ tiêu tăng trưởng của năm nay là 6,5%.
Hãng thông tấn AFP cho hay sau một cuộc đánh giá thường lệ cùng với các cuộc trao đổi với các giới chức Việt Nam, IMF nhận định rằng trong khi áp lực của tình trạng lạm phát đang lắng xuống với giá cả thực phẩm và năng lượng đang giảm dần thì mức độ tăng trưởng dự kiến sẽ tiếp tục chậm hơn nữa xuống còn khoảng 4,7% trong năm 2009 do nhu cầu trong nước cũng như quốc tế suy yếu.
Hồi tháng 12 năm ngoái một giới chức của IMF đã dự đoán mực độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội trên thực tế của Việt Nam sẽ dễ dàng đạt được 5% trong năm nay.
Trước đó Ngân hàng Thế giới cũng đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống từ 5% đến 5,5% trong năm nay so với mức 6,5% được dự đoán hồi tháng 12 năm ngoái.
IMF cũng nhận định rằng ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu đã trở nên rõ ràng hơn ở Việt Nam kể từ tháng 10 năm ngoái với hậu quả là xuất khẩu cũng như lượng kiều hối và đầu tư nước ngoài giảm sút.
Trong khi ghi nhận rằng giới hữu trách Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc kiềm chế lạm phát, và bình ổn cán cân thương mại nhằm ổn định nền kinh tế trong năm ngoái, IMF cũng cho rằng Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức và rủi ro đáng kể trong ngắn hạn khi tình hình kinh tế và tài chính toàn cầu sa sút.
Hãng tin Reuters cũng trích dẫn nhận định của IMF về những rủi ro mà nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt trong ngắn hạn như việc các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cắt giảm vốn đầu tư gián tiếp đặc biệt là trên thị trường chứng khoán và trái phiếu. Nguồn vốn đầu vào cũng như xuất khẩu có phần chắc sẽ giảm mạnh trong năm nay và thâm hụt tài chính sẽ vẫn còn lớn.
Áp lực về việc giảm giá tiền đồng đã lại nổi lên.
IMF hối thúc giới hữu trách Việt Nam cho phép áp dụng tỉ giá hối đoái linh hoạt hơn và nói rằng theo tính toán của họ thì tiền đồng có vẻ bị định giá khá cao so với mức độ cân bằng trung hạn. IMF cũng nhận định rằng giới hữu trách Việt Nam nên đánh giá tác động của việc điều chỉnh chính sách tiền tệ trước khi nới lỏng hơn nữa những chính sách này.
Tuy nhiên, IMF vẫn cho rằng về trung hạn thì viễn cảnh kinh tế của Việt Nam sẽ thuận lợi và Việt Nam vẫn là một điểm đầu tư hấp dẫn.