Tòa án tối cao của Madagascar đã tuyên bố hậu thuẫn hành động của quân đội nước này, đưa nhà lãnh đạo phe đối lập, đối thủ của Tổng thống Marc Ravalomanana, lên thay ông. Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo châu Phi đang nêu câu hỏi là liệu hành động này có hợp với hiến pháp hay không. Từ thủ đô Antananarivo của Madagascar, Thông tín viên đài VOA Scott Bobb gửi về bài tường thuật sau đây.
Hôm thứ tư, Tòa Bảo hiến của Madagascar tuyên bố trên đài phát thanh quốc gia rằng nhà lãnh đạo đối lập Andry Rajoelina đã trở thành Tổng thống nước cộng hòa Madagascar.
Tòa án này đã nêu lên sự kiện Tổng thống Marc Ravamanana từ chức và giao quyền cho quân đội, và hành động này đã cho quân đội quyền được quyết định. Quân đội tuyên bố không muốn nắm quyền, thay vào đó họ muốn nhà lãnh đạo đối lập ông Rajoelina đảm nhận việc này.
Nhưng ông Rajoelina năm nay chỉ mới 34 tuổi trong khi Hiến pháp Madagascar qui định tuổi tối thiểu của tổng thống phải là 40 tuổi. Trước đó ông Rajoelina đã loan báo thành lập một chính phủ lâm thời, sẽ đảm trách việc sửa đổi hiến pháp và tổ chức bầu cử trong vòng 2 năm tới.
Trong bài diễn văn đọc tại quảng trường trung tâm, hôm thứ ba, ông Rajoelina đã ngỏ lời cám ơn quân đội hậu thuẫn cho ông.
Ông Rajoelina ca ngợi việc quân đội tiếp quản dinh tổng thống trong trung tâm thủ đô, và mời dân chúng cùng với ông vào chiếm dinh thự đó. Binh sĩ đã tiến chiếm dinh tổng thống mấy tiếng đồng hồ trước khi ông Rajoelina đọc diễn văn.
Hôm thứ ba, Tổng thống Ravalomana loan báo từ chức vì cuộc khủng hoảng đã biểu hiện quan điểm bị phân cực trong nội bộ quân đội và dân chúng.
Tổng Thống Ravalomana nói rằng điều trọng yếu là phải tái lập trật tự để các bên có thể cùng ngồi lại làm việc. Ông nói rằng tất cả mọi người đều yêu nước, và ông kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh.
Việc chuyển quyền đầy kịch tính này, là kết quả của nhiều tuần lễ đối đầu, khiến cho hơn 100 người bị thiệt mạng, gây thiệt hại cho ngành du lịch và đầu tư nước ngoài của Madagascar.
Thủ đô đã yên tĩnh lại và một số doanh nghiệp đã hoạt động bình thường mặc dù vẫn còn vài Đại sứ quán đóng cửa. Cư dân thủ đô bày tỏ các ý kiến khác nhau về tính hợp pháp của việc chuyển quyền, nhưng phần lớn dân chúng bày tỏ hy vọng là hòa bình và ổn định được vãn hồi.
Tuy nhiên các chính phủ châu Phi đã bày tỏ quan ngại về tính cách hợp pháp của sự chuyển quyền này.
Zambia tuyên bố sự thay đổi chính phủ không phù hợp hợp với hiến pháp và yêu cầu đình chỉ tư cách thành viên của Madagascar trong Liên hiệp châu Phi, và tổ chức Cộng đồng Phát triển Nam châu Phi, gọi tắt là SADC.
Liên hiệp châu Phi nói rằng trong tuần này Hồi đồng Hòa bình và An ninh thuộc liên hiệp sẽ xem xét lại tình hình của Madagascar.
Chủ tịch tổ chức SADC, Tổng thống Kgalema của Nam Phi nói rằng cơ quan an ninh của SADC, sẽ mở cuộc họp vào hôm nay, thứ năm để thảo luận về diễn biến này. Ông nói rằng SADC sẽ không bao giờ chấp nhận một sự chuyển quyền bất hợp hiến từ một chính phủ được bầu lên một cách dân chủ.
Trong khi đó, Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ nói rằng việc chuyển quyền bất hợp hiến có thể dẫn đến việc áp dụng biện pháp trừng phạt.