Kỷ niệm 6 năm cuộc chiến Iraq

Tuần lễ bắt đầu ngày 19 tháng 3 đánh dấu kỷ niệm thứ 6 của cuộc xâm nhập lãnh thổ Iraq do Hoa Kỳ lãnh đạo, đã lật đổ Saddam Hussein và thiết lập một nền hòa bình non trẻ; tuy nhiên đây cũng là sự kiện đưa đến những căng thẳng chính trị, sắc tộc và khu vực gây ra bao nhiêu năm bạo loạn. Vào lúc lễ kỷ niệm trôi qua, Iraq có vẻ như vừa ngoi lên khỏi một cuộc đổ máu khủng khiếp, và quân đội Mỹ chuẩn bị về nước, nhưng một số chuyên gia vẫn chưa muốn tỏ thái độ lạc quan. Thông tín viên đài VOA Al Pessin tường trình thêm chi tiết từ Ngũ Giác Đài.

Trong thời gian này, gần như tất cả mọi tin tức từ Iraq đều tốt đẹp, những số thương vong quân sự, cảnh sát và thường dân đều hạ xuống, nền kinh tế được cải thiện, những chuẩn bị cho một vòng tuyển cử nữa đang tiến hành tốt đẹp, quân đội Mỹ sửa soạn giảm thiểu dần vai trò của họ và sẽ rút hoàn toàn trong vòng 3 năm.

Thượng tướng Lloyd Austin, vị chỉ huy quân sự Hoa Kỳ số 2 tại Iraq nói rằng chúng ta chỉ đang tiến gần tới một nền hòa bình trường cửu chứ chưa hẳn đạt tới điều đó. Ông cho biết quân đội Mỹ sẽ tiếp tục đào luyện binh sĩ Iraq, và yểm trợ cho họ về không lực cùng những khả năng khác mà họ không có. Nhưng hiện nay trọng tâm được đặt vào việc làm thế nào để chính người Iraq sẽ phải tạo cho họ một nền an ninh bền vững.

Tướng Austin nói: “Theo tôi an ninh bền vững phần lớn có nghĩa là lực lượng an ninh Iraq phải có khả năng và năng lực tự tạo ra điều đó cho họ trong tương lai. Chúng ta sẽ có mặt tại đó để hướng dẫn họ, cung cấp cho họ những cái họ thiếu, và như vậy, phải, tôi cho rằng chúng ta sẽ làm được việc.”

Sự thật, đó cũng là điều Tổng thống Obama ra lệnh tháng trước khi ông loan báo lực lượng tác chiến Hoa Kỳ sẽ rời Iraq vào tháng 8 năm tới, tiếp đó toàn bộ quân đội Mỹ sẽ rút vào cuối năm tới. Tổng thống nói vào thời điểm đó thì những mục tiêu của Hoa Kỳ tại Iraq đã được hoàn tất.

Ông Obama nói: “Chiến lược này được đặt nền tảng trên một mục tiêu rõ rệt và có thể hoàn tất mà dân Iraq cũng như dân Hoa Kỳ cùng chia sẻ, đó là một nước Iraq có chủ quyền, ổn định và tự túc tự cường. ”

Trong 2 năm qua tại Iraq đã có rất nhiều tiến triển, phần lớn nhờ vào sự gia tăng hoạt động của quân đội Mỹ, một chiến lược chống phiến loạn mới và những sự cải tổ trong guồng máy chính phủ và lực lượng an ninh Iraq. Nhưng một số phân tích gia, kể cả viên chức Bộ Ngoại giao Wayne White, hiện nay làm việc tại Viện Trung Đông, nói rằng hãy còn quá sớm để công bố chiến thắng, và rằng con đường rút khỏi Iraq có thể sẽ khó khăn chẳng kém những năm chinh chiến trước đây.

Ông White nói: “Hãy còn rất nhiều điều mơ hồ. Và có quá nhiều người cứ xử sự như thể mọi sự đã xong hay là ta đã chiến thắng, đã thành công, trong khi chúng ta còn rất nhiều cây cầu cần phải vượt qua. Tôi nhìn thấy có sự rắc rối. Vấn đề là chúng ta sẽ gặp rắc rối tới mức độ nào? Liệu ta có gặp một tình trạng bạo loạn mạnh đến độ cảnh sát cùng quân lực Iraq cũng không chế ngự nổi, và phải cần tới sự can thiệp của Hoa Kỳ?”

Ông White không tin là lực lượng an ninh Iraq sẽ sẵn sàng để đảm nhận toàn bộ trách nhiệm về nền an ninh của nước họ trong những năm tới.

Ông White nói: “Chúng ta không nên phạm vào lỗi lầm là tin tưởng quá đáng vào hiệu năng của lực lượng an ninh Iraq. Bạn biết đấy, chúng ta đã phạm phải sai lầm đó trước kia, vào những năm 2005 và 2006, và chúng ta đã không đi tới đâu.”

Tuy nhiên, một phân tích gia khác, ông Michael O’Hanlon thuộc Viện Brookings tỏ ý tin tưởng rằng kế hoạch của Tổng thống Obama có nhiều cơ may thành công.

Ông O’Hanlon nói tin mừng là chiến tranh đã chấm dứt. Những loại bạo loạn tự phát từ tầng lớp dưới cùng trong dân gian mà chúng ta đã thấy suốt những năm 2003, 2004, 2005, 2006, 2007 phần lớn không còn nữa.

Ông O’Hanlon cũng cảnh báo chớ nên lạc quan quá mức. Ông nói Iraq cần thêm sự trợ lực của quân chiến đấu Hoa Kỳ trong 1 năm rưỡi nữa, rồi phải thêm một năm rưỡi nữa với các lực lượng huấn luyện và trợ lực; như vậy người Iraq mới có đủ thời gian giải quyết những khó khăn còn lại của họ, trong đó có tình trạng tranh chấp đang gia tăng giữa người Ả rập và người Kurd tại miền Bắc, cùng những cuộc tấn công đang tiếp diễn bởi các nhóm chủ chiến.

Ông O'Hanlon nói: “Mặc dù tôi chưa muốn quyết đoán về một số việc, tôi vẫn nghĩ chúng ta có khá nhiều cơ may, bắt đầu là việc khiến tôi rất vui là sau 18 tháng nữa chúng ta vẫn còn 50 ngàn binh sĩ Hoa Kỳ tại Iraq, và rằng một sự rút quân dần dần sẽ tiếp tục là hướng đi của chúng ta.”

Các giới chức tại Ngũ Giác Đài thường mau mắn nói rằng rằng, sự tiến bộ tại Iraq hãy còn 'mong manh', tuy có khả quan hơn cách đây 1 năm. Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates nói vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, và 'gốc rễ' của nền dân chủ tại Iraq, theo lời ông vẫn còn 'tương đối nông cạn'. Tuy nhiên, hôm thứ Tư, ông cho biết sau điều ông gọi là '5 năm khó khăn vất vả', người Iraq đã có thể nhìn về một tương lai xán lạn hơn.

Ông Gates nói: “Tôi tin rằng người Iraq, với tất cả nỗi đau khổ trong quá khứ, thì nay họ đã có thể có một tương lai trước kia chưa bao giờ có. Viễn tượng có vẻ trở nên mỗi ngày một sáng sủa hơn, rằng người Iraq sẽ giải quyết được các vấn nạn bằng đường lối chính trị chứ không phải bằng súng đạn. Và điều đó có nghĩa là một sự cải thiện to lớn cho cuộc sống.”

Bộ trưởng Gates nói thêm, người Iraq bầu ra chính phủ của chính họ, các vị lãnh đạo của họ tôn trọng luật pháp, và nước này có cơ may đạt được một sự tăng trưởng kinh tế vững mạnh.

Vào thời điểm Iraq đi vào năm chinh chiến thứ 7 của mình, Bộ trưởng Gates tiên đoán quốc gia này sẽ vươn lên tốt đẹp hơn nhiều vào lúc quân đội Hoa Kỳ hoàn tất lịch trình rút quân vào cuối năm 2011, có nghĩa là gần 9 năm sau khi họ tới đây.