Nhận định về Hội nghị ASEAN của một chuyên viên về Ðông Nam Á

Trước thềm hội nghị cấp cao của Hiệp Hội ASEAN, diễn ra tại Thái Lan vào tuần này, một chuyên viên người Mỹ gốc Việt cho rằng, trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nước Mỹ có Tổng Thống mới; hội nghị cấp cao lần này của nhóm 10 quốc gia bao gồm 540 triệu dân khó có thể đạt những quyết định quan trọng. Mời quý vị nghe các ý kiến khác mà chuyên viên này đã dành cho ban Việt ngữ VOA.

VOA: Tiến sĩ Vũ Tường tốt nghiệp chính trị học tại đại học Berkeley của California và đang dạy về các vấn đề Đông Nam Á tại trường đại học bang Oregon. Ông đã làm việc và nghiên cứu tại trường đại học Quốc gia Singapore, Viện Nghiên cứu Kinh tế của Nhật Bản, cơ quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc và cơ quan viện trợ Mỹ USAID.

Thưa Tiến sĩ Vũ Tường, trước ngày khai mạc hội nghị cấp cao ở Thái Lan, chính phủ nước này đang đối mặt với những vấn đề gì về mặt quốc nội?

TS Vũ Tường: Tình hình chính trị Thái Lan nói chung rất bất ổn vì chính phủ mới cầm quyền có hai tháng. Vẫn còn quá sớm để đánh giá chính phủ này có tồn tại lâu dài hay không. Phe đối lập thuộc đảng Tổ Quốc Thái vẫn tiếp tục chống đối và họ có sự ủng hộ của Liên Minh Dân Chủ Chống Độc Tài, là những người ủng hộ Thủ Tướng cũ Thaksin. Đó là đe dọa lớn nhất của chính phủ hiện tại.

VOA: Theo anh thì ông Thaksin có còn giữ vai trò quan trọng trên sân khấu chính trị Thái Lan hay không?

TS Vũ Tường: Ông Thaksin vẫn còn được rất nhiều người ủng hộ ở Thái Lan mặc dù ông đang lưu vong.

VOA: Còn về tình hình kinh tế hiện nay của Thái Lan ra sao thưa anh?

TS Vũ Tường: Kinh tế của họ cũng suy thoái nhưng không nặng bằng Mỹ. Xuất khẩu giảm khi phe đưa chính phủ bây giờ lên cầm quyền biểu tình và chiếm phi trường quốc tế Bangkok gần một tuần lễ hồi năm ngoái, tạo thiệt hại kinh tế lớn cho Thái Lan về du lịch và các mặt khác. Bây giờ chính phủ mới đang tìm cách phục hồi kinh tế, đưa ra gói kích cầu 3 tỉ đô la, hy vọng phục hồi kinh tế và tiếp tục các chính sách của ông Thaksin để tranh dành sự ủng hộ của dân chúng cho chính phủ mới.

VOA: Chính phủ hiện nay của Thái Lan trông đợi những gì từ hội nghị cấp cao ASEAN lần này?

TS Vũ Tường: Tôi nghĩ họ không có nhiều hy vọng vào hội nghị, vì họ mới lên cầm quyền và quyền lực của họ còn yếu, thành ra họ chỉ hy vọng mọi chuyện tại hội nghị êm xuôi tốt đẹp. Năm nay Thái Lan đóng vai trò chủ đạo của khối ASEAN, đáng lẽ hội nghị tổ chức vào tháng 12 nhưng vì biểu tình chống đối nên phải hoãn đến tháng 2. Họ đã bị mất mặt rất nhiều, bây giờ họ chỉ lo xong chuyện để còn lo những việc trong nước. Tôi nghĩ vậy.

VOA: Còn về phía các quốc gia thành viên ASEAN thì lần này trông đợi những gì?

TS Vũ Tường: Tại hội nghị hàng năm ASEAN vẫn nói đến chương trình dài hạn là gỡ bỏ hàng rào thuế quan, mậu dịch và đầu tư để tiến đến “Cộng đồng Kinh tế ASEAN”. Do đó họ vẫn tiếp tục thôi. Chúng ta sẽ thấy họ ký một số hiệp định để tiếp tục cắt giảm thuế quan giữa các nước ASEAN. Năm nay hội nghị diễn ra trong tình huống đặc biệt, vì có cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nước Mỹ có chính quyền mới, mỗi nước thành viên lại có những vấn đề nổi bật; thành ra ít có hy vọng về hội nghị này. Khả năng đạt đồng thuận của ASEAN rất ít. Tôi muốn nói đến đồng thuận về những vấn đề chính sách quan trọng. Ngoài ra, lần này lại có những vấn đề đột xuất, như vấn đề người tỵ nạn Miến Điện. Quân đội Thái bị cáo buộc là lôi những người này ra biển với những tàu hỏng máy rồi bỏ mặc cho họ trôi đi; làm rất nhiều người chết, một số dạt vào bờ biển của Ấn Độ và Indonesia xin tỵ nạn.

VOA: Thế còn cuộc tranh chấp về ngôi đền Preah Vihear với Kampuchia thì sao?

TS Vũ Tường: Vấn đề đó vẫn tiếp tục căng thẳng, dù hai bên đã có một cuộc chạm súng nhỏ và cố gắng tự kiềm chế. Quân đội hai bên vẫn còn đóng trong khu vực và chưa cho phép dân chúng vào và tiếp tục đối đầu với nhau. Sự xung đột quân sự có thể trở lại bất cứ lúc nào.

VOA: Khi nói đến liên hệ giữa ASEAN và Việt Nam thì tôi nhớ đến cuốn hồi ký của ông Trần Quang Cơ, cựu Thứ trưởng Ngoại Giao của Việt Nam. Trong cuốn hồi ký này ông Cơ tỏ ý tiếc là Việt Nam đã gia nhập ASEAN quá trễ, anh nghĩ sao về nhận định của ông Cơ?

TS Vũ Tường: Tôi cũng đồng ý với ông Cơ, tôi nghĩ đáng lẽ Việt Nam có thể gia nhập ASEAN sớm hơn nhiều. Những người như chúng tôi đã từng nghiên cứu về các cuộc chiến tranh chống Mỹ, chiến tranh tại Cam-bốt, chiến tranh với Trung Quốc, chúng tôi nghĩ những cuộc chiến đó đều có thể tránh được. Và nếu có thể tránh được thì đương nhiên là quan hệ giữa Việt Nam và Đông Nam Á có thể tốt đẹp hơn nhiều từ lâu rồi, chứ không cần chờ đến thập niên 1990 Việt Nam mới là một thành phần của ASEAN.

Mời quí vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe.