Hoa Kỳ công bố phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền

Hoa Kỳ đã chỉ trích Trung Quốc trong bản phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền quốc tế. Phúc trình này được công bố hôm thứ tư, một tuần sau khi Ngoại trưởng Hillary Clinton đến thăm Bắc kinh. Trong chuyến viếng thăm này, vị ngoại trưởng Mỹ tuyên bố rằng sự hợp tác giữa hai nước phải có ưu tiên cao hơn những vấn đề gây căng thẳng. Mời quí vị theo dõi thêm các chi tiết sau đây dựa theo tường thuật của thông tín viên Deborah Block của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA.

Bản phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng thành tích nhân quyền của Trung Quốc trong năm 2008 tiếp tục yếu kém và đã trở nên tệ hại hơn trong một số lãnh vực. Phúc trình nêu lên việc chính phủ Trung Quốc giam cầm những nhân vật bất đồng chính kiến và tra tấn tù nhân.

Quyền tự do dân sự ở Nga và cuộc chiến tranh hồi năm ngoái với Gruzia cũng gặp sự chỉ trích.

Phúc trình này nói rằng những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất có xu hướng xảy ra ở những quốc gia mà người cai trị có những quyền hạn không bị giới hạn và ở những nước mà chính phủ bị sụp đổ.

Ngoại trưởng Clinton nói rằng việc thăng tiến nhân quyền quốc tế là một phần thiết yếu của chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.

Bà Clinton nói: "Chúng ta không những chỉ ra sức thể hiện những lý tưởng của mình trên lãnh thổ Hoa Kỳ mà chúng ta cũng sẽ theo đuổi mục tiêu là làm cho nhân quyền được tôn trọng nhiều hơn trong lúc chúng ta giao tiếp với các quốc gia và dân tộc khác trên khắp thế giới."

Tại Somalia, Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo, bản phúc trình nói rằng giao tranh giữa các lực lượng chính phủ với những nhóm chống chính phủ và các tổ chức cực đoan đã làm phát sinh những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Phúc trình cũng nêu lên vấn đề là chính phủ Zimbabué tiếp tục sát hại những thành viên của phe đối lập.

Theo bản phúc trình, thành tích nhân quyền của Bắc Triều Tiên tiếp tục tệ hại với việc chính phủ kiểm soát hầu như mọi khía cạnh trong sinh hoạt của người dân.

Tại Iran, phúc trình cho biết chính phủ đã gia tăng chiến dịch đe dọa các học giả, những nhà báo và các nhân vật bất đồng chính kiến. Văn kiện này nói thêm rằng chính phủ Iran thông qua việc giam cầm, tra tấn và tiến hành những phiên tòa bí mật để đàn áp những người bất đồng ý kiến.

Phúc trình cũng cho biết tự do ngôn luận ở Cuba đã bị xuống giốc và chính phủ của Chủ tịch Raul Castro đã tăng cường những hoạt động đe dọa nhắm vào những nhân vật hoạt động chống chính phủ.

Ngoại trưởng Clinton cho rằng Hoa Kỳ phải làm việc với nhiều nhóm khác nhau để giải quyết vấn đề vi phạm nhân quyền.

Bà Clinton nói: "Chúng ta sẽ làm cho nỗ lực này trở thành một nỗ lực toàn cầu và vượt khỏi phạm vi của các chính phủ. Ý định của tôi là chúng ta sẽ làm việc với các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo tôn giáo, và các trường đại học cũng như với những cá nhân – tất cả những người có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một thế giới trong đó nhân quyền được chấp nhận, được tôn trọng và được bảo vệ."

Phúc trình này không đánh giá thành tích nhân quyền của Hoa Kỳ nhưng có đề cập đến sự chỉ trích nhắm vào chính phủ của cựu tổng thống Bush về việc giam giữ nghi can mà không đưa ra xét xử hoặc truy tố, như những nghi can bị giam ở Vịnh Guantanamo của Cuba.