Ông Obama trấn an dân Mỹ về tình hình kinh tế

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố Hoa Kỳ sẽ trỗi dậy sau giai đoạn kinh tế bất định và sẽ trở nên vững mạnh hơn trước. Trong bài diễn văn đọc trước lưỡng viện Quốc hội, Tổng thống Obama giải thích các chính sách kinh tế của ông. Thông tín viên đài VOA Paula Wolfson ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Quả là một sân khấu thuần chính trị tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ đêm qua. Các nhà lập pháp chen chúc quanh những lối đi của Hội trường vào lúc tổng thống Obama chậm rãi tiến lên bục hội trường để đọc bài phát biểu với Quốc hội và toàn dân.

Tổng thống Obama nói: “Tôi đến đây đêm nay không phải chỉ để phát biểu với những người ưu tú trong hội trường vĩ đại này, mà còn để nói chuyện một cách thẳng thắn và trực tiếp với những người đã cử chúng ta đến đây.”

Ông Obama cố gắng tạo một thế quân bình tế nhị, vừa nói về các vấn đề kinh tế mà Hoa Kỳ đang phải đối diện bằng những lời lẽ nghiêm khắc, vừa trấn an công chúng Mỹ đang lo sợ về một cuộc suy thoái rằng những ngày tốt đẹp hơn đang chờ đợi phía trước.

Ông Obama nói sau một thập kỷ bất cẩn về kinh tế, đã đến lúc nước Mỹ phải suy xét lại.

Tổng thống Obama nói: “Chúng ta đã trải qua một thời kỳ trong đó những lợi ích ngắn hạn thường được đặt nặng hơn sự thịnh vượng lâu dài; một thời kỳ trong đó chúng ta đã không nhìn xa trông rộng hơn là kỳ trả tiền sắp tới, quý sắp tới và cuộc bầu cử sắp tới.”

Nhưng ông nói rằng Hoa Kỳ có khả năng và nhất định sẽ trỗi dậy trở lại, và mặc dù cơn khủng hoảng kinh tế có nghiêm trọng cũng không thể quyết định được vận mạng của đất nước này.

Ông Obama nói: “Tuy rằng nền kinh tế của chúng ta có thể bị suy yếu, và niềm tin của chúng ta có thể bị lung lay; mặc dù chúng ta đang trải qua thời buổi khó khăn và bất định, đêm nay tôi muốn mọi người dân Mỹ biết rõ điều này: chúng ta sẽ tái thiết, chúng ta sẽ phục hồi, và Hoa Kỳ sẽ trỗi dậy và sẽ vững mạnh hơn trước.”

Tổng thống Obama nói rằng kế hoạch kích thích kinh tế mà ông ký hồi tuần trước là một bước đầu. Nhưng ông nói như thế vẫn chưa đủ và nêu ra sự cần thiết phải có thêm biện pháp trong các lãnh vực y tế, năng lượng và giáo dục.

Ông thừa nhận rằng tiền bạc đang thiếu hụt, và cần phải có những quyết định gay go. Nhưng ông nhấn mạnh rằng có thể dành ngân quỹ cho các ưu tiên chủ chốt nếu cắt giảm bớt các chương trình vô hiệu.

Để đạt được mục tiêu đó, ông Obama nói rằng chính quyền của ông đã xác định sẽ tiết kiệm 2,000 tỷ đô la trong thập niên sắp tới, từ nông nghiệp cho đến quốc phòng.

Ông Obama nói: “Chúng ta sẽ loại bỏ những hợp đồng dành độc quyền cho một công ty hay cá nhân đã gây lãng phí hàng tỷ đôla ở Iraq, và cải tổ ngân sách quốc phòng để chúng ta không phải chi tiền cho những hệ thống vũ khí thời Chiến tranh lạnh mà chúng ta không sử dụng đến.”

Nhưng tổng thống Obama nói rằng ngân sách của ông cho tài khóa sắp tới sẽ gia tăng mức đầu tư vào nhân lực quân sự, gia tăng số binh sĩ và thủy quân lục chiến. Và mặc dù chủ lực chính của bài diễn văn là nền kinh tế, ông đã ngưng lại một chút để nói về việc khôi phục niềm tin tưởng ở nước ngoài.

Ông tái khẳng định quyết tâm đóng cửa trại giam của Hoa Kỳ ở Vịnh Guantanamo bên Cuba và nói rằng Hoa Kỳ không làm công việc tra tấn.

Ông Obama nói: “Bằng lời nói và việc làm, chúng ta đang chứng tỏ với thế giới rằng một kỷ nguyên mới về giao tiếp đã bắt đầu. Bởi vì chúng ta biết rằng nước Mỹ không thể đương đầu với mối đe dọa một mình, nhưng thế giới cũng không thể đương đầu mà không có nước Mỹ.”

Tuy đây là một dịp mang tất cả các đặc tính của một bài diễn văn về tình trạng liên bang, ông Obama đã quyết định không đề cập đến chi tiết của các chương trình và chính sách. Cũng như nhiều tổng thống vừa lên nhậm chức, bài diễn văn đầu tiên của ông trước Quốc hội có một trọng điểm hẹp hơn và đơn giản được coi như một bài phát biểu với quốc dân.

Người đưa ra đáp từ của đảng Cộng hòa là ông Bobby Jindal, vị thống đốc trẻ tuổi được lòng dân của tiểu bang Louisiana. Ông Jindal nói đến tinh thần lưỡng đảng, nhưng tỏ dấu hiệu cho thấy là đảng Cộng hòa hạn chế ở một mức nhất định.

Ông Jindal nói rằng trong những vấn đề có sự đồng ý, thì đảng Cộng hòa là những đối tác mạnh nhất của tổng thống. Còn trong những vấn đề không có sự đồng ý, thì đảng Cộng hòa có trách nhiệm phải thẳng thắn đưa ra các ý kiến tốt hơn cho một con đường để tiến tới.

Ông Jindal được coi là một ngôi sao đang nổi lên trong đảng Cộng hòa và là người có khả năng được đề cử ra tranh chức tổng thống vào năm 2012.

Ông Jindal thuộc dòng dõi di dân Ấn Ðộ, và cũng như tổng thống Obama, ông thuộc về một thế hệ mới đang thực sự làm biến đổi bộ mặt chính sự Mỹ.