Lãnh tụ Bắc Triều Tiên thăm địa điểm phóng hỏa tiễn

Các cơ quan truyền thông Bắc Triều Tiên cho hay: lãnh tụ Kim Jong Il đã đi thăm tỉnh miền đông bắc, nơi Bình Nhưỡng cho biết dự định sắp phóng một vệ tinh. Thông tín viên đài VOA Kurt Achin ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật từ Hán Thành, nơi các nhà lãnh đạo Nam Triều Tiên tỏ ra hết sức quan ngại về sự kiện sắp diễn ra này.

Thông tấn xã trung ương Bắc Triều Tiên hôm nay loan tin lãnh tụ Kim Jong Il đã đi thăm tỉnh Bắc Hamgyong ở miền đông bắc nước này. Đây là nơi sinh của thân mẫu ông Kim, và là địa điểm của một cuộc phóng hỏa tiễn tầm xa ngày càng có nhiều khả năng sẽ diễn ra.

Hôm qua, Bắc Triều Tiên loan báo dự định phóng một 'vệ tinh viễn thông' từ cơ sở tối tân nhất của họ tại Musudan-ri trong tỉnh Bắc Hamkyong. Các giới chức Mỹ và Nam Triều Tiên nghi ngờ luận điệu của Bình Nhưỡng về nghiên cứu không gian là bề ngoài bao che cho cuộc thử nghiệm một phi đạn đạn đạo có khả năng trên lý thuyết tới được lãnh thổ Hoa Kỳ.

Ông Joseph Bermudez là một chuyên gia kỳ cựu của nhóm quốc phòng Jane, và cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu về các phi đạn đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Ông nói rằng các hình ảnh vệ tinh đã cho thấy hoạt động tăng cường gần nơi có thể là địa điểm phóng. Tuy nhiên, theo ông, cho đến nay Bắc Triều Tiên dường như chưa xây dựng xong phi đạn và cơ chế hỗ trợ cần thiết cho một cuộc phóng.

Ông Bermudez nói: “Khi nào ta thấy một hệ thống được đặt lên dàn phóng, thì lúc đó ta mới có thể nói là cuộc phóng sắp được thực hiện. Trong trường hợp này thì 'sắp' có thể có nghĩa là bất cứ thời điểm nào trong vòng tới 21 ngày, tức là 3 tuần lễ.”

Cuộc thử nghiệm lần chót một phi đạn tầm xa của Bắc Triều Tiên là vào năm 2006, châm ngòi cho Liên hiệp quốc áp dụng các biện pháp chế tài và đưa ra một nghị quyết kêu gọi không phóng thêm phi đạn nữa.

Nam Triều Tiên nhiều lần cảnh báo rằng một cuộc phóng phi đạn sẽ vi phạm nghị quyết đó và có khả năng châm ngòi cho các biện pháp chế tài khác. Ông Bermudez nói rằng: việc Bắc Triều Tiên mô tả vụ phóng là một cuộc thử nghiệm khảo cứu không gian có thể gây phức tạp cho sự đáp ứng của cộng đồng quốc tế.

Ông Bermudez nói: “Khó mà nói được rằng một quốc gia không có quyền thám hiểm không gian, trong khi các quốc gia khác thì có quyền đó. Một khi đã vượt qua được một độ cao nào đó, thì ta không còn ở trong không phận quốc tế nữa. Ta ở trong không gian và không ai có chủ quyền ở đó.”

Ông Bermudez nói rằng sẽ khó mà biết được ý định của Bắc Triều Tiên cho đến khi vụ phóng diễn ra.

Ông Bermudez nói: “Phi đạn đạn đạo và các công cụ phóng lên không gia thường đi theo các đường phóng khác nhau. Vì thế, ta có thể biết tương đối nhanh sau khi phóng, qua quan sát, liệu đó là một cuộc thử nghiệm không gian hay là một cuộc phóng thử phi đạn đạn đạo.”

Các chuyên gia phân tích nói rằng vụ phóng có phần chắc sẽ khơi ra một phản ứng nghiêm khắc hơn nêu hỏa tiễn bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản, giống như một cuộc phóng thử phi đạn tầm trung của Bắc Triều Tiên hồi năm 1998.