Hôm thứ năm, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ James Steinberg cho biết Bắc Triều Tiên sẽ có một tương lai tích cực ở phía trước nếu họ tuân thủ thoả thuận giải trừ vũ khí hạt nhân theo như kết quả đàm phán 6 bên, và tránh các hành động khiêu khích. Ông Steinberg đã phát biểu như vậy trước khi Ngoại trưởng Clinton trình bày về chính sách Châu Á trước chuyến công du tới khu vực này. Từ Bộ Ngoại giao, Thông tín viên của đài VOA David Gollust gửi về bài tường thuật sau đây.
Trong những tuần đầu tiên của chính quyền Obama, người ta đã thấy những lời lẽ mang đầy tính khiêu khích mà Bình Nhưỡng nhắm tới nước láng giềng Nam Triều Tiên, và các báo cáo về việc chuẩn bị cho một cuộc thử nghiệm phi đạn tầm xa.
Tuy nhiên, trong lúc chuẩn bị cho chuyến công du đầu tiên của Ngoại trưởng Clinton kéo dài 1 tuần tới Nhật Bản, Indonesia, Nam Triều Tiên và Trung Quốc, thì các giới chức chính quyền mới đã nói tới những điều đầy hứa hẹn. Thứ trưởng ngoại giao Steinberg nói rằng phía trước Bắc Triều Tiên sẽ là một tương lai tích cực nếu họ tuân thủ những cam kết về vấn đề hạt nhân.
Trong bài diễn văn đọc hôm thứ Năm trước lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ, ông Steinberg nói rằng chính quyền mới ủng hộ tích cực các cuộc đàm phán 6 bên do Trung Quốc bảo trợ, với kết quả là Bình Nhưỡng đã đồng ý trên nguyên tắc sẽ xoá bỏ chương trình hạt nhân gồm cả vũ khí hạt nhân để đổi lấy viện trợ và các lợi ích ngoại giao.
Cuộc đàm phán đã bị bế tắc từ năm ngoái vì Bắc Triều Tiên không chấp thuận kế hoạch để kiểm chứng bản khai báo hạt nhân mà họ đưa ra hồi tháng 6 năm ngoái. Ông Steinberg nói rằng một viễn cảnh tích cực sẽ tùy thuộc vào việc Bắc Triều Tiên có giữ đúng cam kết về việc kiểm chứng, vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân và tiến tới chỗ hoàn toàn phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên hay không.
Ông Steinberg nói: "Chúng tôi nhận thấy có một cơ hội, và Tổng thống Obama cũng như Ngoại trưởng Clinton đã nói rõ rằng đây là điều mà chúng tôi rất muốn theo đuổi. Chúng tôi rất mong là Bắc Triều Tiên sẽ coi đây là một cơ hội để tiếp tục tham gia cuộc đàm phán 6 bên và họ sẽ kiềm chế để không có hành động nào khiến cho chúng ta khó có thể tiến bước trên lộ trình đó. Và tôi nghĩ đây là một cơ hội tốt cho tất cả các bên để tiến về phía trước.”
Ông Steinberg nói rằng: trong chuyến công du tuần tới Ngoại trưởng Clinton sẽ tìm cách phối hợp chính sách về vấn đề hạt nhân với các vị ngoại trưởng của Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Trung Quốc, và tìm cách giải tỏa những mối lo ngại của Nam Triều Tiên về những lời lẽ gay gắt mà gần đây Bình Nhưỡng đã nhắm tới chính quyền Hán Thành.
Ông Steinberg nói rằng tất cả các bên tham gia vào quá trình này đều muốn Triều Tiên làm theo thoả thuận, nhưng nếu Bình Nhưỡng không làm như vậy thì tất cả các nước trong khu vực cần phải có hành động để ứng phó.
Ông Christopher Hill, trợ lý ngoại trưởng đặc trách Đông Á và cũng là trưởng phái đoàn Hoa kỳ tại cuộc đàm phán 6 bên, sẽ tháp tùng bà Clinton tới Châu Á.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng sẽ cử các nhà ngoại giao khác tới Moscova vào tuần tới để tham dự cuộc họp đầu tiên trong năm nay trong khuôn khổ của cuộc đàm phán 6 bên. Đây là hộïi nghị của nhóm công tác về một khung sườn mới cho hoà bình và an ninh Đông Bắc Á sẽ được thành lập vào giai đoạn cuối của quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân.
Bà Clinton sẽ thảo luận về Bắc Triều Tiên và một chương trình nghị sự rộng hơn về quan hệ Hoa Kỳ- Châu Á trong bài diễn văn vào ngày thứ Sáu trước Hội Á Châu ở New York. Bà sẽ rời Washington để công du Châu Á vào ngày Chủ Nhật.