Thái lan đã sẵn sàng để chủ trì hội nghị thượng đỉnh hàng năm của Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á, gọi tắt là ASEAN. Như thường lệ, trọng tâm của hội nghị này xoay quanh vấn đề hội nhập kinh tế, tuy nhiên vấn đề nhân quyền và số phận các thuyền nhân Miến Điện cũng sẽ được mang ra thảo luận. Từ Bangkok, Thông tín viên đài VOA Daniel Schearf gửi về bài tường trình sau đây.
Cuộc gặp gỡ quy tụ các nước Đông Nam Á sẽ được tổ chức vào cuối tháng này tại địa điểm du lịch Hua Hin nằm bên bờ biển của Thái lan.
Theo dự kiến, các nước thành viên sẽ thảo luận về những phương thức để củng cố nền kinh tế của họ trong bối cảnh một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng Thái ông Abhisit Vejjajiva cho biết các lãnh đạo ASEAN đồng thời muốn xây dựng một ý thức cộng đồng mạnh mẽ hơn tại Đông Nam Á.
Thủ tướng Vejjajiva nói: “Hội nghị cấp cao này sẽ là một cơ hội tốt để ASEAN chứng tỏ cho thế giới thấy rằng, ASEAN là một tổ chức khu vực mà sự hiện diện vẫn cần thiết trong các điều kiện hiện tại. Mười nước hội viên trong ASEAN là những phần không thể tách rời nằm trong một cộng đồng Đông Á rộng lớn hơn, từng là và sẽ tiếp tục là một cỗ máy trong sự tăng trưởng kinh tế của thế giới.”
Cũng như phần còn lại của thế giới, Đông Nam Á, ở mức độ nào đó, cũng bị tác hại do nguồn tín dụng bị thắt chặt, phần lớn vì mức cầu giảm sút đối với các mặt hàng xuất khẩu.
Thủ Tướng Thái Lan cho hay các vấn đề nhân quyền cũng sẽ được bàn thảo tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN.
Ông Vejjajiva cho biết một cơ chế nhân quyền của ASEAN, mà theo ông là một cơ chế đáng tín nhiệm và thực tiễn, sẽ được hình thành vào cuối năm nay.
Các chính quyền Đông Nam Á thường xuyên bị phê bình về những vụ ï vi phạm nhân quyền. Bị phê phán nhiều nhất, là chính quyền quân sự Miến Điện.
Tuy vậy, ngay cả Thái lan là một trong những nước tương đối dân chủ, cũng đã phải lên tiếng chống đỡ cho quân đội của họ trước những lời tố cáo rằng họ đã ngược đãi thuyền nhân Miến Điện.
Ông Kasit Piromya, Ngoại trưởng Thái lan, cho biết các nước ASEAN sẽ bàn thảo về cách xử lý vấn đề thuyền nhân người Rohingya đến từ Miến Điện. Nhưng bất chấp những quan tâm rằng họ sẽ bị đàn áp tại Miến Điện, Bộ Trưởng Ngoại Giao Piromya khẳng định người Rohingya không phải là người tỵ nạn.
Ngoại trưởng Piromya nói: “Chắc chắn sẽ có một số hội nghị bên lề, để bàn về khả năng hợp tác về vấn đề thuyền nhân Rohingya. Tại thời điểm này, tôi nghĩ tất cả chúng ta, và nước liên hệ, đều coi đây là một vấn đề liên quan tới các di dân kinh tế, thuần túy và đơn giản có thế.”
Mặt khác, các nhóm bênh vực nhân quyền thì cho rằng người Rohingya có lẽ là nhóm thiểu số sắc tộc bị ngược đãi nhất tại Miến Điện.
Trong những tháng gần đây, hàng trăm thuyền nhân Rohingya đã trôi giạt vào Thái lan, Ấn Độ, và Indonesia, nhiều người trong thành phần này đã kể lại những câu chuyện về các hành động ngược đãi của người Miến điện và quân đội Thái Lan, mà họ là nạn nhân.
Thái lan đã bác bỏ những lời tố cáo giác đó. Cả Thái lẫn Indonesia đều tỏ những dấu hiệu cho thấy họ sẽ trục xuất tất cả những người Rohingya đã xâm nhập lãnh thổ của họ một cách bất hợp pháp.