So sánh tình hình kinh tế hiện nay và cuộc Ðại khủng hoảng

Trong tình hình kinh tế suy thoái hiện nay tại Hoa Kỳ, nhiều người đã nhắc tới thời kỳ đen tối của cuộc đại khủng hoảng kinh tế dưới thời tổng thống Franklin Roosevelt. Trong Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này, chuyên gia về tài chính học, ông Ngô Nhân Dụng, sẽ đề cập đến những khó khăn mà tổng thống Franklin Roosevelt đã phải đối phó, đồng thời quí vị sẽ nghe ông trình bày một số những điểm khác biệt giữa tình hình kinh tế hiện nay với cuộc đại khủng hoảng kinh tế trong thập niên 1930. Mời quí vị theo dõi với Lan Phương.

76 năm trước, khi Tổng thống Franklin Roosevelt lên cầm quyền thì kinh tế nước Mỹ đang bị sa lầy, rơi vào một tình trạng thê thảm và những khó khăn mà ông phải đối phó sâu rộng và nguy ngập hơn những gì mà tân tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đang phải đối phó.

Tuy nhiên, theo một số sử gia và kinh tế gia thì cũng có những điểm tương đồng và tổng thống Obama có thể rút tỉa được một số bài học từ cuôïc đại khủng hoảng đó. Chuyên gia về tài chính học, ông Ngô Nhân Dụng, so sánh tình hình hiện nay với nền kinh tế dưới thời tổng thống Roosevelt.

Hồi năm 1930 thì cuộc khủng hoảng bắt đầu từ lãnh vực sản xuất nhưng nó được khơi mào sụp đổ bởi thị trường chứng khoán. Hiện nay thị trường chứng khoán có xuống nhưng không sụp đổ mạnh như năm 1929. Thứ hai là mức sa sút về sản xuất bây giờ không cao như hồi đó. Phải nói rằng hiện nay lãnh vực vững nhất trong kinh tế Mỹ là lãnh vực sản xuất bởi vì các xí nghiệp không đến nỗi thua lỗ, nó có xuống nhưng không đến nỗi yếu kém như hồi đó.

Tình trạng thất nghiệp bây giờ chẳng hạn, đã lên đến 7%, mà có thể sẽ lên đến 8% hay 9% nhưng không đến nỗi nặng nề như tình trạng thất nghiệp sau mấy năm hồi thập niên 1930, có lúc đã lên đến 25%. Tình trạng tài chính và ngân hàng thì có một số điểm tương đồng, một số ngân hàng và công ty tài chính bị thua lỗ, và hiện nay tình trạng thu lỗ đó rất nặng nề tại các ngân hàng Mỹ, nhưng so ra cũng không nặng như hồi 1930.

Điều quan trọng nhất khi so sánh cuộc khủng hoảng vào những năm 1930 với bây giờ là ngày đó các nhà nghiên cứu kinh tế nói chung cũng như những người cầm quyền điều khiển nền kinh tế ở Mỹ chưa biết rõ về sự vận hành của hệ thống tài chính cũng như mối liên hệ giữa tài chính và kinh tế. Còn bây giờ, sau gần một thế kỷ,người ta đã học hỏi được nhiều rồi, cho nên người ta không thể để cho cuộc khủng hoảng này rơi xuống tới mức độ trầm trọng như trong thập niên 1930.

Theo các chuyên gia thì phải mất đến gần một thập niên, kinh tế Mỹ mới phục hồi và phát triển trở lại sau cuộc đại khủng hoảng. Chuyên gia nghiên cứu về tài chính Ngô Nhân Dụng cho biết về những khó khăn mà chính phủ Roosevelt phải đối phó: đó là chữa chạy những biện pháp do chính phủ trước để lại.

Vào thời đó người ta vẫn còn dốt nát về hệ thống kinh tế cho nên chính phủ trước đó đưa ra toàn những biện pháp làm cho cuộc khủng hoảng càng trầm trọng hơn, thí dụ khi thấy mức sản xuất và tiêu thụ giảm đi, số người thất nghiệp gia tăng thì chính phủ Mỹ hồi đó lại đưa ra biện pháp bảo hộ mậu dịch bằng cách tăng thuế nhập khẩu, tạo ra phản ứng ở khắp thế giới, các nước khác đối chọi lại bằng biện pháp bảo hộ mậu dịch và tất cả các nước kéo nhau vào tình trạng suy thoái, bởi vì nước này không bán được hàng cho nước kia thì cũng lại không mua hàng của nước khác, và cứ như vậy tạo ra một vòng luẩn quẩn làm cho cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn.

Một biện pháp nữa là chính phủ trước hạn chế số tiền lưu hành trong nước, lý do là nhiều người thiển cận, đi vay nhiều gấp bội số tiền mà họ có để đầu tư vào chứng khoán, đến khi thị turòng chứng khoán xuống dốc, thì ngừơi ta vỡ nợ rất nhanh, kéo nguyên cả thị trường đi xuống.

Chính phủ trước thời tổng thống Roosevelt nghĩ rằng ngân hàng cho vay quá nhiều tiền là nguyên nhân gây khủng hoảng nên họ bèn hạn chế tiền ngân hàng cho vay, giảm bớt lượng tiền lưu hành trong nước, nhưng chính điều này lại làm cho tình hình kinh tế sa sút hơn. Bây giờ thì người ta đã học được hai bài học đó để tránh.

Còn khi tổng thống Roosevelt lên cầm quyền thì ông đã đưa ra những biện pháp rất táo bạo, không những không hạn chế số tiền lưu hành mà còn gia tăng số tiền lưu hành trong nước. Chương trình kinh tế mới của ông Roosevelt có một điểm quan trọng là nhà nước in tiền ra để chi tiêu,trong số những khoản chi này được dùng vào chuyện tạo công ăn việc làm cho dân qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tạo được công ăn việc làm, trả lương cho công nhân tức là đưa tiền vào tay người tiêu thụ. Chuyện này đã giúp cho kinh tế hồi phục một phần nào và là khởi điểm tốt, tuy rằng không hồi phục được hẳn, và phải đợi đến thế chiến thứ hai khi nước Mỹ trở thành một quốc gia sản xuất vũ khí để bán cho các nước đồng minh ở châu âu thì kinh tế Mỹ mới được vực dậy mạnh mẽ hơn.

Trong vấn đề kinh tế, yếu tố tâm lý đóng một vai trò hết sức quan trọng và tổng thống Roosevelt nổi danh là người có biệt tài huy động tâm lý quần chúng. Ông đã đạt được những thành tích như thế nào trong lãnh vực này?

Chuyên gia Ngô Nhân Dụng cho biết: "Trong kinh tế, chủ yếu là người ta làm sao kiếm ra tiền và tiêu tiền. Thế nhưng quyết định tiêu tiền như thế nào, tiêu thụ hay là đầu tư, để dành hay là chi tiêu thì hoàn toàn là quyết định dựa trên tâm lý. Cuộc đại khủng hoảng kinh tế thập niên 1930 sở dĩ hồi phục chậm cũng là vì rất khó chuyển được tâm lý của người tiêu thụ. Giống như con chim bị một mũi tên rồi thì sợ cây cong. Thì đây là tình trạng mà ông Roosevelt đã tìm cách thay đổi đầu tiên. Có lẽ việc bầu ông Roosevelt lên với khả năng hùng biện, với tài thuyết phục quần chúng của ông, cách mà ông cai trị là tiếp xúc nhiều với dân chúng, mỗi tuần nói chuyện với dân trên đài phát thanh, dáng điệu của ông rất là quả quyết, với khẩu hiệu đưa ra ngay từ lúc đầu là 'chúng ta chỉ có một điều đáng sợ, đó là cái nỗi sợ hãi mà thôi. Nếu chúng ta không sợ hãi thì không còn điều gì đáng sợ nữa', đấy là những lời lẽ rất hùng hồn để khôi phục được niềm tin của dân Mỹ. Có thể nói rằng trong thời gian một nước bị khủng hoảng kinh tế thì cũng giống như là một nước bị tấn công, bị ngoại xâm, người lãnh đạo phải làm sao để cho dân chúng tin rằng họ đang có một người lèo lái con thuyền quốc gia mạnh tay và có khả năng thì ông Roosevelt đã làm được việc đó, và đó cũng là một yếu tố quan trọng để giúp cho những chính sách của chính phủ của ông thành công. Ngày nay có lẽ nước Mỹ cũng cần một không khí phấn khởi và một niềm tin tưởng đối với giới lãnh đạo y như vậy."

Quí vị vừa theo dõi ông Ngô Nhân Dụng, chuyên gia tài chính học, so sánh cuộc khủng hoảng kinh tế thời thập niên 1930 và tình trạng suy thoái hiện nay tại Hoa Kỳ.