Ðặc sứ LHQ gặp bà Suu Kyi

Đặc sứ Liên hiệp quốc về Miến Điện đã gặp lãnh tụ đối lập đang bị cầm giữ, bà Aung San Suu Kyi, để thảo luận về cải cách chính trị tại quốc gia quân trị này. Nhưng, theo tường thuật của thông tín viên Daniel Schearf của đài VOA, chưa rõ liệu nhà lãnh đạo cấp cao nhất của quân đội có dành cho ông một cuộc hội kiến tương tự hay không.

Đặc sứ Liên hiệp quốc về Miến Điện Ibrahim Gambari đã hội kiến trong hơn 1 tiếng đồng hồ hôm nay với bà Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo đối lập khác tại nhà khách của Miến Điện.

Bà Aung San Suu Kyi được phép rời khỏi khu biệt thự của bà, nơi chính phủ quân nhân Miến Điện đã quản thúc bà trong phần lớn khoảng thời gian 18 năm qua.

Ông Aye Win là người phát ngôn của Liên hiệp quốc đang làm việc tại Miến Điện.

Ông Win nói: “Chắc chắn ông Gambari đã có thể gặp bà lần này, và tự thân cuộc hội kiến này rất có ý nghĩa. Nhưng, đương nhiên, ta không biết được những gì đã được đưa ra thảo luận.”

Cuộc họp với bà Aung San Suu Kyi là một bước tiến, so với chuyến thăm hối tháng 8 năm ngoái. Trong chuyến thăm đó, bà đã từ chối không gặp vị đặc sứ sau khi ông bị từ chối không cho gặp nhà lãnh đạo cấp cao nhất của quân đội Miến Điện là tướng Than Shwe.

Chưa rõ liệu tướng Shwe có sẽ gặp ông Gambari trong chuyến thăm 4 ngày lần này, kết thúc vào ngày mai hay không.

Ngay sau khi gặp bà Aung San Suu Kyi, một phát ngôn viên của Liên minh toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của bà đã đề nghị phóng thích các tù nhân chính trị.

Các tổ chức nhân quyền cho biết hiện có hơn 2 ngàn tù nhân chính trị ở Miến Điện.

Ông Gambara đến thăm Miến Điện để khuyến khích việc phóng thích các tù nhân chính trị và thực thi cải tổ chính trị.

Chính phủ quân nhân cho biết sẽ tổ chức các cuộc bầu cử đa đảng vào năm 2010, trong khuôn khổ “lộ đồ tiến đến dân chủ” của họ. Nhưng các tướng lãnh đã viết sẵn một bản hiến pháp mới bảo đảm rằng quân đội sẽ ở lại nắm quyền.

Nhà phân tích chính trị làm việc tại Thái Lan, ông Win Minh cho rằng các nhà lãnh đạo quân đội không cho thấy dấu hiệu nhượng bộ nào.

Ông Minh nói: “Tôi nghi ngờ về tính công bằng và tự do của cuộc bầu cử, trong các điều kiện hạn chế và những hành động trấn át mà quân đội đang thực hiện. Vì thế, tôi nghi là các cuộc bầu cử sẽ tự do và công bằng, nếu tình hình tiếp tục như thế này.”

Quân đội đã nắm quyền tại Miến Điện từ năm 1962, đè bẹp mọi sự chống đối.

Các nhà lãnh đạo quân đội đã cho phép tiến hành một cuộc bầu cử vào năm 1990, trong đó đảng của bà Aung San Suu Kyi đã thắng áp đảo. Sau đó, quân đội đã không tôn trọng kết quả bầu cử, bỏ tù các lãnh tụ đối lập và đặt bà Aung San Suu Kyi vào tình trạng quản thúc tại gia.