VN siết chặt kiểm soát con số blogger ngày càng tăng

Khoảng không gian rất giới hạn dành cho sinh hoạt chính trị tại Việt Nam đang ngày càng nhỏ dần vì chính phủ đã đàn áp cộng đồng những người bày tỏ quan điểm bất đồng trên máy điện toán, đóng cửa các trang web và giam giữ những ai sử dụng internet để thách đố đảng Cộng sản.

Thông Tín Viên Tim Johnston của tờ Financial Times vừa có bài cho hay từ vài năm nay, internet tại Việt Nam tương đối thoát khỏi sự kiểm soát của chính phủ, thế nhưng vài luật lệ mới đây đã ngăn chặn quyền tự do ngôn luận của con số blogger ngày càng gia tăng.

Bài báo cho biết theo một tạp chí của Bộ Thông Tin Viễn Thông, những bài viết chống đối nhà nước, gây phương hại tới an ninh quốc gia, trật tự và an ninh xã hội, phá hoại tình đoàn kết dân tộc, tuyên truyền cho chiến tranh xâm lược, khiêu dâm, tội ác, tệ đoan xã hội, mê tín và phá hoại thuần phong mỹ tục sẽ bị cấm đăng tải trên internet.

Theo bài báo, không rõ Việt Nam có khả năng kiểm soát chuyện tự do bày tỏ tư tưởng trên internet giống như đảng Cộng Sản Trung Quốc đang làm hay không, dù Việt Nam cũng có được những kỹ thuật như nước láng giềng ở phía Bắc.

Tuy bước chân vào lãnh vực điện toán chậm trễ hơn các nước khác, song mức phát triển kinh tế khả quan trong vài năm qua đã góp phần hình thành một số người sử dụng internet đáng kể tại Việt Nam.

Theo ước tính, khoảng 24 triệu trong dân số 88 triệu người ở Việt Nam thường xuyên sử dụng internet. Tin nói rằng dân chúng vào internet để tìm đọc những tin không được loan tải trên các cơ quan ngôn luận của nhà nước.

Các blogger còn thảo luận về những vấn đề chính trị, thách thức những qui định của quốc gia độc đảng này, đòi được tham gia thêm vào các cuộc bầu cử và đặt ra những câu hỏi khó khăn về tính cách hợp pháp của chính quyền.

Tất cả những chuyện vừa kể đã vượt thoát ra được những cuộc đối thoại bị kiểm soát chặt chẽ trên các cơ quan truyền thông của nhà nước. Tuy nhiên, theo bài báo, những diễn biến mới đây đã khiến người ta lo ngại. Ông Peter Leech, người Úc, có một trang tin tức trên internet hoạt động từ thành phố Hồ Chí Minh. Ông cho hay ông ít khi cho đăng những lời bình luận và những trang tin của ông hầu như cũng không tạo ra một loại tin đặc biệt nào, thế nhưng ông đã bắt đầu gặp khó khăn với chính quyền từ tháng 6 năm ngoái.

Theo ông Leech, văn phòng của ông thường bị cảnh sát lục soát và nhiều lần chẳng hiểu vì lý do gì ông đã không sử dụng được những dịch vụ của công ty cung cấp dịch vụ internet của Hoa Kỳ, nơi ông đặt trang tin của ông. Ông đã rời khỏi Việt Nam từ đó.

Đa số blogger Việt Nam sử dụng trang blog của hai công ty Yahoo và Google và dường như chính phủ đang yêu cầu hai công ty này giúp kiểm soát các hoạt động trên internet. Một đạo luật thông qua năm ngoái đòi hỏi các công ty cung cấp dịch vụ internet phải cung cấp thông tin về những người sử dụng vi phạm những điều cấm do Bộ Thông Tin đề ra.

Theo Yahoo, cho tới giờ này chưa có ai tiếp xúc với công ty về việc kiểm soát các hoạt động trên internet.