Liên hiệp Châu Âu vừa công bố một kế hoạch quốc tế nhằm hạn chế sự biến đổi khí hậu trong đó có lời hứa dành hàng tỷ đôla viện trợ cho các nước nghèo nhất thế giới để chống lại tình trạng tăng nhiệt toàn cầu. Từ Paris, thông tín viên đài VOA Lisa Bryant ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Được công bố ở Bruxelle hôm qua, kế hoạch có tác dụng như giải pháp của Liên hiệp Châu Âu cho thế giới nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, với kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán về vấn đề này dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc vào tháng Chạp tại Copenhagen.
Đề nghị của EU kêu gọi một thỏa thuận mới về khí hậu giảm thiểu mức khí thải có hiệu ứng nhà kính gây sự tăng nhiệt bớt đi 30% các mức của năm 1990 trước năm 2020. Kế hoạch của EU đã đề nghị cắt giảm 20% cho thời kỳ đó, nhưng khối này cho rằng họ sẽ tăng lên đến 30% nếu các nước khác đồng ý tham gia.
Nhưng để thực hiện việc đó, phải trả một cái giá khổng lồ, theo kế hoạch của Châu Âu. Các ước tính của EU nói rằng thế giới sẽ cần đầu tư tới 71,1 tỷ đôla mỗi năm để đáp ứng các cam kết về tăng nhiệt toàn cầu trước năm 2030.
EU cũng kêu gọi các nước giầu hơn trợ giúp một cách hào phóng cho các nước nghèo trong các chương trình về biến đổi khí hậu, mặc dù không đưa ra con số cụ thể bằng đôla.
Và EU đề nghị rằng Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ hãy tham gia cùng các quốc gia giầu có nhất thế giới đồng ý thực hiện việc bắt buộc cắt giảm khí thải carbon và đăng ký vào một chương trình trao đổi khí thải mà Châu Âu đã bắt đầu thi hành.
Ủy viên về Môi trường của Liên hiệp Châu Âu Stavros Dimas nói với các phóng viên rằng điều cấp thiết là thế giới phải hành động nhanh.
Ông Dimas nói: “Thỏa thuận này phải được kết thúc vào cuối hội nghị của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu tại Copenhagen cuối năm nay. Tôi không thể nhấn mạnh đủ về tầm quan trọng của việc đạt được một thỏa thuận mạnh và có hiệu quả. Với tình trạng tăng nhiệt toàn cầu ngày càng tăng tốc, đây gần như là cơ hội cuối cùng của chúng ta để đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào tầm kiểm soát trước khi nó đi đến mức mà tác động không thể đảo ngược được nữa.”
Một số các tổ chức môi trường đã chỉ trích kế hoạch của EU và nói rằng Châu Âu không có đủ tham vọng và rằng cần phải có các cam kết cụ thể về tài chính để giúp các nước nghèo hơn.