Phóng viên nhiếp ảnh Huỳnh Công Út, tức Nick Út, đã chứng kiến một số những diễn biến tin tức quan trọng nhất trong 40 năm qua, từ cuộc chiến tại quê nhà Việt nam đến phiên tòa xử những nhân vật nổi tiếng của Hollywood gặp rắc rối với luật pháp. Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này tường thuật về phóng viên nhiếp ảnh quốc tế từng đoạt giải Pulitzer của Hoa Kỳ. Mời quí thính giả theo dõi với Lan Phương sau đây.
Người ta biết đến phóng viên nhiếp ảnh này nhiều nhất qua bức hình chụp một bé gái trong cơn kinh hoàng, Kim Phúc, quần áo đã bị rứt bỏ vì lửa bén trên thân mình, hớt hải lao ra khỏi ngôi làng ngùn ngụt khói vì bom napalm. Bức ảnh đó chụp năm 1972 đã mang về cho Nick Út giải Pulitzer, giải báo chí danh tiếng của Hoa Kỳ.
Vào lúc chụp bức hình này, phóng viên nhiếp ảnh Nick Út mới có 21 tuổi, nhưng vào ngày đó anh đã là một phóng viên chiến trường dầy kinh nghiệm. Huỳnh Công Út, hay Nick Út, đã theo nghề của ngừơi anh, một phóng viên nhiếp ảnh làm cho hãng thông tấn quốc tế Associated Press, tức AP. Ông anh của Nick Út đã thiệt mạng tại châu thổ sông Mekong năm 1965. Khi mới 15, Nick Út đã phụ việc rửa phim cho các phóng viên của AP trong các chuyến công tác của họ. Năm 16 tuổi, anh đã mạo hiểm ra ngoài mang theo máy ảnh.
Anh Nick Út nói: "Cứ mỗi lần tôi chụp được một tấm ảnh,thì ký giả cuả AP lại khen 'Này Nick, hình đó đẹp đấy, cho AP dùng được không? thì tôi trả lời 'dĩ nhiên là được chứ'."
Và rất nhanh chóng,những hình chụp của Nick Út về đời sống của một Sài gòn thời chiến được hãng thông tấn gửi đi và xuất hiện trên không biết bao nhiêu tờ báo. Chẳng bao lâu Huỳnh Công Út trở thành một phóng viên nhiếp ảnh chiến trường đi khắp miền nam Việt nam, cũng như Kampuchea và Lào.
Vào ngày 8 tháng 6 năm anh đã ra vào rất nhiều lần làng Trảng Bàng, gần khu vực bị du kích Việt cộng xâm nhập. Anh đã chụp được cảnh một chiếc máy bay của miền nam Việt nam thả bom napalm. Các nhiếp ảnh gia ngỡ là dân làng đã được di tản hết khi họ thấy khói lửa ngút trời bùng lên trong ngôi làng, nhưng chẳng bao lâu họ thấy những dân làng còn lại chạy túa ra ngoài trong cơn kinh hoàng.
Một phụ nữ ôm đứa con thơ đã chết, và Kim Phúc, cô bé 9 tuổi, đã rứt bỏ quần áo cháy phừng phừng ra khỏi người, hớt hải gào thét, cùng với người anh chạy ra đường lộ. Út đã chụp được tấm ảnh đúng lúc đó rồi buông máy chạy tới giúp bé gái, cho em chút nước uống.
Anh Nick Út nói: "Tôi đưa em nhỏ tới bệnh viện,cứu sống được em."
Bức ảnh này đã trở thành một hình ảnh tiêu biểu cho cuộc chiến tranh Việt nam và là một nhắc nhở sâu đậm về những đau thương của chiến tranh đối với thường dân.
Sau này cô gái lớn lên và đã được nhà nước Việt Nam cho sang Cuba du học. Nơi đây cô gặp ý trung nhân cũng là một sinh viên người Việt và hai người kết hôn. Đến năm 1992 cặp vợ chồng này đào tỵ chạy sang Canada. Giờ đây thì cô Kim Phúc cùng với chồng và hai con sinh sống tại Toronto. Kim Phúc gọi Nick Út bằng chú Nick.
Sau khi Sài gòn thất thủ năm 1975, Nick Út làm việc cho hãng thông tấn AP tại Tokyo ở Nhật. Đến năm 1977 anh làm cho dịch vụ tin tức của hãng thông tấn này ở Los Angeles.
Trong 3 thập niên kể từ ngày ở Mỹ, anh Nick Út đã thu vào ống ảnh vô số những hình chụp về hỏa hoạn, cháy rừng, động đất, các khuôn mặt nổi tiếng trong ngành giải trí và thể thao cũng như các nhân vật nổi tiếng tại Hollywood. Anh cho biết kinh nhgiệm làm việc của anh mỗi ngày một khác và anh yêu thích sự đa dạng, khác biệt trong công việc này.
Anh Nick Út nói: "Công việc của tôi là hãng gửi tôi đi đâu thì tôi đến đấy làm phận sự, như người lính phải tuân hành lệnh trên, không thể nói 'không' được."
Một trong những ảnh chụp khác của Nick Út đã được loan tải khắp thế giới trong năm ngoái. Đó là ảnh chụp Paris Hilton, cháu nội của nhà tỉ phú chủ tịch hệ thống khách sạn Hilton. Cô là một nhân vật nổi tiếng vì xuất thân con nhà giàu, lại vừa là diễn viên điện ảnh, ca sỹ, người mẫu thời trang...Trong bức ảnh Paris Hilton bị còng tay giải tới nhà tù sau khi vi phạm án treo vì lái xe trong lúc say rượu. Anh Út đã chụp được bức ảnh này vào ngày 8 tháng 6; cũng vào ngày này 35 năm trước anh đã chụp bức ảnh Kim Phúc về chiến tranh Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới.
Giờ đây 57 tuổi, hằng ngày Huỳnh Công Út vẫn mang theo máy hình đến nhiều nơi trong vùng Los Angeles để săn ảnh cho hãng tin. Có ngày anh thu vào ống ảnh hình chụp thống đốc Schwazenegger và có ngày là hình ảnh của những con vật trong sở thú Los Angeles. Anh cho biết anh yêu thích công việc đang làm nhưng vẫn nhớ những ngày tường trình về cuộc chiến.
Anh Nick Út nói: "Biết đâu lại chẳng có chuyện xảy ra, chẳng ai biết trước, biết đâu tôi lại được gửi đến một cuộc chiến nữa. tôi rất thích được làm công việc đó."
Thường thì anh chụp chừng 100 tấm ảnh mỗi ngày, và trong số này có rất nhiều tấm xuất hiện ngay trên internet chỉ mấy phút sau khi chụp. Và trong vòng mấy tiếng đồng hồ, những hình ảnh đó được dăng trên nhiều tờ báo khắp thế giới.
Bí quyết của Nick Út để chụp được những bức hình đúng lúc và có ý nghĩa là phải biết chọn lựa. Anh đã học được kinh nghiệm quí giá đó từ một phóng viên nhiếp ảnh nổi tiếng khác trong thời chiến tranh Việt Nam, đó là người bạn thân Eddie Adams của anh. Eddie Adams đã đoạt giải Pulitzer năm 1968 về ảnh chụp tướng Loan hành quyết ngay tại chỗ một tên bị tình nghi là du kích quân Việt Cộng vào giữa lúc Sài Gòn đang cơn dầu sôi lửa bỏng vì vụ tấn công tết mậu thân năm 1968. Đây là ảnh chụp giúp Eddie Adams chiếm được một giải Pulitzer.
Theo lời phóng viên nhiếp ảnh Nick Út thì anh thường chọn lựa kỹ khi bấm máy, nên trong khi anh chỉ cần một cuộn phim thì những người khác phải dùng tới cả chục cuộn.
Anh hồi tưởng lại vụ Trảng Bàng bị thả bom napalm năm 1972, lúc đó trên con đường lộ gần Trảng Bàng có rất nhiều phóng viên nhiếp ảnh khác, nhưng anh cho biết đa số đã chụp quá nhiều nên khi điều đáng thu nhất vào ống ảnh xảy ra thì họ đã hết phim. Chính vì thế mà Nick Út đã chụp được những bức ảnh để đời.
40 năm trong nghề, anh Nick Ut đã được mời tham gia rất nhiều cuộc triển lãm.
Anh Nick Út nói: "Út triển lãm rất nhiều ở trong nước Mỹ và các nước châu Âu, và mới năm rồi ở Thượng Hải, Trung Quốc. Út triển lãm một số hình ảnh chiến tranh VN vànhững hình ảnh khác, tựa đề cuộc triển lãm là From Hell to Hollywood, có cả các hình ảnh tài tử Mỹ và những hình ảnh Út làm việc tại Mỹ."
Và hơn một năm trước đây Việt nam đã dự tính mời anh tham gia một cuộc triển lãm về hình ảnh chiến tranh Việt Nam, nhưng giờ chót cuộc triển lãm đã bị hoãn lại.
Chỗ định triển lãm thì chật chội, họ định kiếm một chỗ rộng rãi hơn nhưng Út không có thời giờ nên không đợi được, thực ra có dịp nào Út sẽ trở lại đất nước để triển lãm một số hình ảnh của Út trong thời kỳ chiến tranh. Anh em hội nhiếp ảnh trong nước họ mong được coi hình của Út lắm, họ nói như kỳ rồi mà hủy bỏ thì họ rất buồn
Và trong năm nay, anh Nick Út dự tính cho xuất bản một cuốn sách phản ánh cuộc đời nghề nghiệp của anh, Từ cuộc chiến Việt Nam, thuyền nhân, cho đến những hình ảnh của Hollywood và những kinh nghiệm ở rất nhiều quốc gia khác mà anh đã trải qua.
Mời quí vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe.