Với nền kinh tế trên đà đi xuống, các lễ lạc nhân dịp Tết âm lịch ở Hong Kong và các nơi khác tại Châu Á có phần chắc sẽ không phung phí như những năm trước. Từ Hong Kong, thôg tín viên Kari Jensen ghi nhận thêm chi tiết.
Trong những ngày sắp đến Tết Nguyên Đán, bắt đầu vào ngày 26 tháng Giêng, bà Jan Henderson và nhóm nhân viên nhỏ gồm 5 người của bà hối hả hoàn tất các chương trình của họ.
Bà Henderson là giám đốc điều hành công ty Reaction Design, một công ty tư vấn về nhãn hiệu chuyên về quảng cáo và và tiếp thị cho các khách sạn, các công ty tài chánh và truyền thông.
Bà cho biết, trong những năm trước, bà thường mướn thêm 2 người để phụ thêm nhân ngày Lễ. Tuy nhiên năm nay, bà đã phải cho thuê 2 bàn trống trong văn phòng của mình để trang trải thiếu hụt. Bà cũng chỉ mời nhân viên tới một tiệm dim sum ăn một bữa Tất niên đơn giản, thay vì ăn uống linh đình hơn.
Trong lúc cơn sóng thần kinh tế tác động tới Châu Á, và Tết Nguyên Đán thì gần kề, một số người Trung Hoa đã thắt lưng buộc bụng, tiêu pha dè sẻn hơn, và lo lắng trước sự suy trầm kinh tế.
Nói chung các thị trường Châu Á đang đi xuống, mặc dù chính quyền cố gắng khích lệ nhu cầu tiêu thụ. Các cơ xưởng sản xuất quần áo, đồ chơi và những hàng xuất khẩu khác đang sa thải nhân viên. Một số doanh nghiệp địa phương và quốc tế đóng cửa.
Cách đây hơn 10 năm, người Hồng Kông đã vượt qua được sóng gió của cơn khủng hoảng tài chánh Á châu năm 1997, và cơn dịch bệnh SARS năm 2003. Một số đông người Hồng Kông cho là lần này họ cũng sẽ vượt qua.
Tết Nguyên Đán cũng có thể so sánh với Lễ Giáng Sinh của phương tây, với sự trao đổi quà tặng, trang hoàng, truyền thống, thăm viếng và những bữa tiệc nhà hàng.
Vào thời điểm này, thường những tiệm bán quà tặng, đồ ăn đặc sản và hải sản khô dự kiến có thể tăng doanh thu hàng năm. Nhưng năm nay thì phần đông doanh thu chỉ ở mức thường ngày nếu không giảm hạ. Ngành bán hoa cũng bị suy giảm do khí hậu mùa đông lạnh lẽo hơn.
Mức tiêu thụ sẽ hạ từ 20% tới 30% tại 5 thành phố lớn tại Đại lục, kể cả tỉnh Quảng Châu cạnh đó, đó là ước tính của một cuộc điều tra của Data-Driven Marketing Asia, là một công ty nghiên cứu thị trường.
Các nhân viên du lịch nói bây giờ người ta chỉ đặt những chuyến đi ngắn gần nhà. Hội các khách sạn Hồng Kông cho biết, những khách sạn thành viên của họ tới ngày 19 tháng Giêng cũng chỉ đầy từ 60% tới 80%. Du khách đại lục tiếp tục tham quan Hồng Kông, vì lý do đồng nhân dân tệ mạnh hơn đô la Hồng Kông.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cả ngoài nước và nội địa đều cảm nhận sự tác hại. Người ta cắt giảm những chuyến đi của doanh nhân, những tiệc tùng và quà tặng.
Tờ 'South China Morning Post', nhật báo Anh ngữ lớn nhất của Hồng Kông hồi tháng 12 đã cắt giảm 30 việc làm. Tuy vậy, họ vẫn tổ chức tiệc Giáng sinh hàng năm tại một nhà hàng địa phương và phát tặng phẩm cho nhân viên.
Các nhà hàng Trung Hoa được tiếng 'náo nhiệt', có nghĩa là ồn ào và nóng nực!
Để duy trì việc làm ăn, vài nhà hàng địa phương đã có những đề nghị giảm giá trong những tuần gần Tết.
Ông Lâm bình Chuơng là quản lý thương vụ tại nhà hàng Hồi Tín tại Bến cảng ở Wanchai. Ngỏ lời qua người thông dịch, ông nói những khách quen thường đặt bàn sớm trong dịp Tết.
Ông Lâm nói ngày mùng 2 là ngày đông khách nhất. Ngày đầu tiên họ mở cửa hàng thì họ đã có khách đặt bàn từ trước.
Những viên quản lý của cả 2 nhà hàng Cảng Hoi Tin và các nhà hàng Asiana gần đó đều nói người ta đã đặt hết bàn vào ngày Mùng 2 Tết, vì đó là ngày xuất hành theo truyền thống.
Nghiệp đoàn các nhà hàng Hồng Kông và những doanh nghiệp liên hệï nói doanh thu dự kiến hạ giảm 5% vào ngày 30 Tết.
Những cửa hàng văn phòng phẩm bán vật dụng trang hoàng ngày Tết và phong bao lì xì cũng bị giảm doanh thu.
Ông Albert Wong là quản lý công ty văn phòng phẩm Chung Ký tại Tsim Sha Tsui. Ông Wong nói suốt 30 năm doanh nghiệp, tiệm của ông đã vượt qua nhiều cuộc thăng trầm, nhưng có 1 điều không thay đổi:
Ông Wong nói: “Năm nào cũng vậy, khách hàng vẫn tới. Họ mua những vật dụng trang hoàng ngày Tết: những thứ có ý nghĩa đem lại may mắn. Bởi vì người ta tin rằng trang hoàng nhà cửa như thế sẽ đem lại may mắn và dồi dào sức khỏe, đại loại như vậy.”
Tuy nhiên, người Hồng Kông có thể cần nhiều hơn là may mắn để vượt qua những tháng sắp tới.
Bởi lẽ nền kinh tế của thành phố này đang lâm vào cơn suy thoái lần đầu tiên từ 5 năm nay. Chính quyền Hồng Kông cho biết họ dự kiến, nhiều công việc bị cắt hơn và nhiều doanh nghiệp bị đóng cửa hơn tiếp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.