Phản ứng đối với thịt bò Mỹ đã thay đổi tại Nam Triều Tiên

Năm ngoái, các cuộc biểu tình chống chính phủ đã bùng ra sau khi tổng thống Lee Myung-bak bãi bỏ lệnh cấm nhập thịt bò Mỹ. Người biểu tình cho rằng thịt bò nhập của Mỹ bị nhiễm bệnh bò dại. Hậu quả là lượng tiêu thụ thịt bò Mỹ đã bị sụt giảm trong thời gian sau đó. Nhưng thịt bò Mỹ nay một lần nữa lại đứng đầu ở Nam Triều Tiên về các loại thịt nhập từ nước ngoài, theo bài tường thuật do thông tín viên Jason Strother của đài VOA gửi về từ Hán Thành.

Suốt mùa hè năm ngoái, đường phố Hán Thành bị tắc nghẽn vì hàng chục ngàn người biểu tình. Một số người biểu tình mang nến, nhưng nhiều người khác đã bạo động và xung đột với cảnh sát chống bạo động.

Các cuộc biểu tình bị khích động bởi những tin đồn phổ biến trên mạng Internet và những bản tin giật gân nói rằng người Triều Tiên sẽ được cung cấp thị bò Mỹ bị nhiễm bệnh bò dại. Nhưng đến tháng 9 thì các cuộc biểu tình đã ngưng và đời sống ở Nam Triều Tiên trở lại bình thường.

Hiện nay, phản ứng đối với thịt bò Mỹ đã khác nhiều.

Hệ thống bán thịt A-Meat chỉ bán loại thịt nhập từ Mỹ. Các viên quản đốc nói rằng công cuộc kinh doanh đang tiến hành tốt đẹp. Trong số 120 địa điểm bán lẻ, họ bán được 10 tấn thịt mỗi ngày.

Người bán thịt ở đây nói rằng loại sườn non không có xương là mặt hàng được khách ưa chuộng nhất.

Bà này nói rằng không có mấy người nêu thắc mắc về thịt bò, một số người hỏi về hương vị loại thịt này, nhưng không có ai hỏi liệu thịt có bị nhiễm bệnh bò dại hay không.

Trước ngày Tết Nguyên đán, nhiều siêu thị ở khắp Nam Triều Tiên đang bán những loại quà biếu các loại thịt bò Mỹ.

Một lý do khiến thịt bò Mỹ được ưa chuộng trở lại ở đây là giá cả. Chẳng hạn, một ký thịt thăn bò rẻ hơn thịt thăn bò của Triều Tiên tới 70%.

Đó là lý do khiến khách hàng Jin Soon Seong đến hiệu A-Meat để mua thịt.

Người khách hàng này nói rằng thịt bò Mỹ rẻ hơn các loại thịt khác, và ăn thì không có gì khác.

Mặc dầu các cuộc biểu tình chống thịt bò Mỹ đã qua đi, nhưng vẫn còn để lại ảnh hưởng lâu dài.

Ký giả kỳ cựu người Triều Tiên Shim Jae Hoon nói rằng các cuộc biểu tình đã làm hoen ố hình ảnh Triều Tiên ở nước ngoài.

Ông Shim nói: “Triều Tiên cơ bản là một nước mua bán và ít nhất 1 phần ba số thu nhập quốc dân của ta là nhờ vào xuất khẩu. Qua mặt hàng gạo của ta, ta đã chứng tỏ cho thế giới thấy rằng họ chỉ quan tâm đến việc bán sản phẩm của ta, mà không quan tâm đến việc mua hàng của nước khác.”

Ký giả Shim tin rằng các đối thủ chính trị của tổng thống Lee Myung-bak và giới truyền thông thiên tả đã khuynh đảo các cuộc biểu tình.

Ông Shim nói thêm: “Tiếp theo cuộc điều tra của chính phủ về vai trò của các công ty truyền thông trong vấn đề này, thì sự phản đối thịt bò nhập của Mỹ đã biến mất.”

Nhưng các rắc rối đối với tổng thống Lee thì vẫn chưa hết.

Hồi đầu tháng này, bạo động đã bùng ra tại các phòng họp của Quốc hội. Các nhà làm luật đối lập đã đánh nhau với các thành viên của đảng cầm quyền với hy vọng ngăn chặn việc thông qua một thỏa hiệp mậu dịch tự do với Hoa Kỳ mà tổng thống ủng hộ.

Vụ phong tỏa quốc hội của họ đã buộc phải gác dự luật lại cho tới cuối năm nay.