Tổng thống tân cử Barack Obama tiếp tục hối thúc quốc hội mau chóng thông qua dự luật cứu nguy kinh tế để ông sẵn sàng ký ban hành trong vòng vài tuần lễ khi ông lên nhậm chức.
Cả hai đảng tại quốc hội đều đồng ý là không còn bao nhiêu thời giờ nữa nhưng vẫn còn các bất đồng về nội dung của các biện pháp cứu nguy kinh tế.
Với con tỉ lệ thất nghiệp cao nhất 7,2% từ 15 năm nay do Bộ Lao động vừa công bố, tổng thống tân cử Barack Obama nói rằng bất kỳ sự chậm trễ nào trong nỗ lực tìm cách đảo ngược lại chiều hướng xuống dốc của nền kinh tế cũng khiến cho tình hình vốn dĩ đã nghiêm trọng còn nguy ngập hơn.
Lên tiếng trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình ABC ông Obama nói rằng ông không buộc các nhà lập pháp phải chấp nhận điều họ không muốn, nhưng theo như chỗ ông được biết thì sự thể như thế này: Kế hoạch chấn hưng và tái đầu tư càng được thực thi sớm bao nhiêu thì Hoa Kỳ càng sớm xoay chuyển được tình hình kinh tế bấy nhiêu. Hoa Kỳ không thể nào chịu đựng nổi tình trạng này trong 3, 4, 5 tháng trời nữa, vì mỗi tháng, nước Mỹ bị mất đi cả nửa triệu công ăn việc làm.
Tổng thống tân cử Obama đề nghị kế hoạch cứ nguy kinh tế trị giá 775 tỉ đô la, thực thi những chương trình chi tiêu của chính phủ cho những sáng kiến về năng lượng, các dự án xây cơ sở hạ tầng, và những đề nghị về chăm sóc y tế cho dân kết hợp với việc cắt giảm thuế cho giới có thu nhập trung bình và những doanh nghiệp nhỏ.
Ông Obama nói rằng kế hoạch này sẽ giúp Hoa Kỳ thoát ra khỏi tình trạng suy trầm kéo dài đã một năm nay và dọn đường cho đà tăng trưởng kinh tế đài hạn.
Ông Obama không gặp chống đối từ quốc hội về sự cần kíp phải có hành dộng mau chóng. Chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi đã cam kết sẽ tiếp tục phiên họp để thảo luận và thông qua cho bằng được dự luật cứu nguy kinh tế, cho dù phải hủy bỏ thời kỳ nghỉ họp vào tháng hai.
Lãnh tụ đảng Cộng Hòa tại hạ viện, dân biểu John Boehmer, đại diện bang Ohio, cũng đồng ý phải có hành động mau chóng. Nhưng ông bày tỏ lo ngại về số chi tiêu khổng lồ mới của liên bang vào lúc thâm hụt ngân sách quốc gia đã lên tới mức kỷ lục.
Ông Boehmer nói rằng quốc hội cần hoàn tất dự luật thật nhanh để đưa sang cho tổng thống ký ban hành sớm bao nhiêu tốt bấy nhiêu vì quốc gia đang cần. Nhưng quốc hội phải làm việc này theo đường lối có trách nhiệm. Theo ông thì cả hai đảng tại quốc hội đều biết rằng Hoa Kỳ không thể cứ vay mượn tiêu xài mà trở thành quốc gia thịnh vượng được. Thế hệ này không thể để lại cho đời con, đời cháu hằng núi nợ nần.
Dường như tổng thống tân cử Obama cũng không quên nhu cầu hạn chế chi tiêu. Ông nói rằng về lâu về dài tất cả mọi người dân Mỹ đều bị đòi hỏi hy sinh nếu như họ muốn quốc gia thịnh vượng.
Ông nói nước Mỹ đã thừa kế một di sản thâm hụt lên đến 1,000 tỉ đô la, chưa từng có trước đây. Không phải tất cả những điều gì đã được đề cập đến trong lúc vận động tranh cử sẽ có thể được thi hành theo với tốc độ mà ông đã hy vọng.
Tháng 11 vừa qua đảng Dân chủ đã củng cố thêm tư thế đa số của họ ở cả hạ viện lẫn thượng viện. Theo các nhà phân tích thì kết quả là có phần chắc kế hoạch chấn hưng kinh tế của tổng thống sắp lên nhậm chức sẽ được quốc hội thông qua với một thiểu so ủng hộ rất nhỏ từ phía đảng Cộng Hòa. Nhưng ông Obama đã nói rằng ông muốn cả hai đảng đều ủng hộ dự luật, và ông đã gặp gỡ với các lãnh tụ của cả hai đảng để hỏi ý kiến và vận động sự ủng hộ của họ.
Tổng thống tân cử Obama nhắc lại lời cam kết đóng cửa trại giam Guantanamo nhưng nói rằng chuyện này có thể sẽ không diễn ra trong 100 ngày đầu tiên tại chức của ông.
Trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyên hình, ông Obama nói rằng việc đóng cửa nhà tù này khó khăn hơn là nhiều người nghĩ. Nhưng ông cho biết rồi chính quyền của ông sẽ cho đóng cửa cơ sở này.