Hàng triệu người dự trù sẽ đến thủ đô Washington để dự khán lễ nhậm chức của tổng thống tân cử Barack Obama vào ngày 20 tháng giêng sắp tới. Nhưng đến được gần tổng thống tân cử sẽ là điều cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, theo tưòng thuật của thông tín viên David Byrd của đài VOA, khách thăm thủ đô sẽ có dịp nhìn ông Obama rất rõ trong một cuộc triển lãm mới có tên là 'Mặt đối mặt' tại phòng triển lãnh Chân dung Quốc gia ở Washington.
Khi ông Obama tuyên thệ nhậm chức tổng thống, cuộc diễn hành dự trù sẽ đi dọc theo Đại lộ Pennsylvania đến Toà Bạch Ốc. Hàng triệu ngưòi dự trù sẽ chen chúc trên các đường phố để được nhìn thấy vị tổng thống người Mỹ gốc Phi châu đầu tiên này. Nhưng du khách có thể nhìn thấy hình ảnh chi tiết và thân mật hơn của ông Obama ngay phía góc đường số 8 và đại lộ Pennsylvania trong khu tây bắc Washington tại phòng triển lãm Chân dung quốc gia.
Toà nhà kiểu Hy Lạp, dự định làm 'Hành lang các anh hùng', do kiến trúc sư Pierre L’Enfant thiết kế, được vẽ theo kiểu toà nhà Parthenon ở Athens.
Nơi từng là trụ sở của Sở đăng ký bằng sáng chế của Hoa Kỳ đã được tân trang toàn bộ bắt đầu vào năm 2000. Một thính đường được thêm vào và một khu có trần bằng kính để ánh sáng tràn vào trung tâm toà nhà và cho thấy bầu trời ban đêm thay thế cho một cái sân lộ thiên.
Toà nhà này là nơi đã tổ chức vũ hội nhân ngày nhậm chức của tổng thống Abraham Lincoln năm 1865, chỉ vài tuần truớc khi ông bị ám sát. Nhiều chân dung của vị tổng thống Hoa Kỳ xuất thân từ tiểu bang Illinois này nay được treo trong phòng triển lãm.
Nhưng chính một vị tổng thống khác cũng từ Illinois, ông Barack Obama, mới là trọng tâm thu hút sự chú ý trong cuộc triển lãm 'Mặt Đối Mặt' ở Phòng triển lãm Chân dung này. Nhiếp ảnh gia sinh ở Đức Martin Schoeller, ngưòi có tác phẩm xuất hiện trên các tạp chí Gentlemen’s Quarterly, Vogue và The New Yorker, đã chụp bức ảnh ông Obama. Schoeller, từng làm phụ tá cho nhiếp ảnh gia nổi tiếng Annie Leibowitz, chụp bức ảnh ông Obama vào năm 2004 cho số báo có chủ đề Những người Đàn ông trong Năm của tờ Gentlemen Quarterly.
Bức ảnh này cao 1 mét 56 phân và rộng 1 mét 27 phân. Tổng thống tân cử không cuời, và hình được cắt xén chặt chẽ chỉ cho thấy gương mặt và một phần cổ của ông. Ông đứng trước một cái nền trơ trọi mầu trắng.
Nhiếp ảnh gia Schoeller nói với đài VOA rằng bức cận ảnh chụp thật gần này giúp có được một chân dung thực hơn, rất khó đạt, nhất là đối với các nhân vật của quần chúng hay những người nổi tiếng.
Ông Schoeller nói: “Tôi thích cái bố cục đặc biệt này bởi vì tôi cảm thấy nó có tính khách quan hơn các bố cục khác. Đôi khi ông ấy mỉm cười, vì ông ấy có nụ cười rất đẹp, và mọi người thường lấy những điệu bộ mà họ cho là ưa nhìn nhất. Nhưng vì ông Obama đang ở tư thế khá tự nhiên và tôi cảm thấy là tôi bắt gặp được những khoảnh khắc ở giữa, nên tôi cảm thấy là tôi đã chụp được một hình ảnh tốt.”
Điều trớ trêu là tạp chí Gentlemen Quarterly lại chọn một bức hình khác của Schoeller, hình ông Obama đang cười - để đăng trong bài báo. Quản lý phòng triển lãm Chân dung quốc gia, bà Anne Goodyear nói với một nhóm khoảng 50 người rằng viện bảo tàng đã cố ý chọn bức ảnh trông nghiêm nghị hơn của ông Obama cho cuộc triển lãm này.
Ông Goodyear nói: “Tôi nghĩ chọn bức hình nắm bắt được sự tự tin và quyết tâm đã chống đỡ cho ông trong suốt cuộc vận động tranh cử là những đặc điểm mà chúng tôi muốn có thể ghi lại về mặt lịch sử và chúng tôi muốn các thế hệ mai sau sẽ tiếp xúc khi họ đến thăm phòng triển lãm chân dung này. Và khi họ tìm cách suy nghĩ về sự nghiệp của ông Barack Obama ra sao, ông ấy đã làm thế nào để tạo dựng và gây ảnh hưởng đến các biến cố bên trong Hoa Kỳ và đương nhiên là cả trên trường quốc tế.”
Bức ảnh của ông Obama được treo cùng với một bức ảnh tương tự của đối thủ ông trong cuộc tranh cử tổng thống, thượng nghị sĩ John McCain của đảng Cộng hòa. Hình của các diễn viên điện ảnh Jack Nicholson, Angelina Jolie và nghệ sĩ Cindy Sherman ngự trên các bức tường kế cận. Các hình ảnh nhỏ hơn của những nguời bộ lạc Piraha ở Brazil được sắp xếp thành hàng 3 một đối diện với hình của tổng thống tân cử.
Bức hình của Schoeller được chụp bằng phim thường và rửa ra bằng kỹ thuật số. Nhiếp ảnh gia này nói rằng ông đã chọn dùng phim thường bởi vì các ảnh chụp bằng kỹ thuật số có quá nhiều chiều sâu và rõ nét. Phim thường giúp ông thu hút sự chú ý của người xem vào bức ảnh – nhất là vào đôi mắt và cái miệng, mà ông cho là phần lột tả tình cảm nhiều nhất trên khuôn mặt con người.
Ông Schoeller nói: “Tôi cảm thấy như tôi có thể ghi được những phần này nhiều hơn trên phim thường và làm như để sót mọi thứ khác hoặc làm cho chúng mờ đi. Ngay phút đầu là mắt người xem nhìn thẳng vào con mắt trong chân dung. Nếu tôi chụp bằng kỹ thuật số, thì hình sẽ rõ nét hơn và mang tính cách kỹ thuật hơn một chút.”
Vince Aletti, nhà phê bình nhiếp ảnh cho báo New Yorker, nói rằng phong cách của ông Schoeller giúp đem lại sự thân mật với các chủ đề đến độ gần như là xâm phạm vào chủ đề. Nhưng những cận ảnh cực kỳ phóng lớn cũng giúp đem lại sự chân thật cực kỳ khi nhìn vào các bức chân dung.
Ông Aletti nói: “Bạn thường được mời diễn dịch rất nhiều bức chân dung. Bạn nghĩ rằng bạn biết một điều gì đó về người nào mà vẫn muốn làm như hình dung thêm về họ. Và tôi nghĩ rằng tác phẩm của Schoeller mời gọi chúng ta thực sự làm như đào sâu nhiều hơn bình thường. Tôi nghĩ nó làm cho chủ đề bức ảnh có cảm giác bị lột trần một cách nào đó. Thực là không thể trốn đi đâu được trong các chân dung của Schoeller. Và các bức chân dung này có thể làm ta hơi choáng váng khi bị đẩy lại gần một người nào đó, thưòng là một người hết sức nổi tiếng, một người rất được nhiều người biết đến độ ta thường không nhìn thấy ở khoảng cách này.”
Trong cuộc vận động tranh cử năm 2008, Martin Schoeller đã bán được 250 phiên bản nhỏ hơn của bức ảnh chụp ông Obama với giá 250 đôla một bản. Số tiền này được đưa vào quỹ vận động cho ông Obama. Nhưng nhiếp ảnh gia này không dự định dự lễ nhậm chức, vì ông sẽ đi làm một công tác khác.
Cuộc triển lãm có chân dung của ông Barack Obama do Schoeller chụp sẽ diễn ra tại Phòng triển lãm Chân dung Quốc gia cho đến hết ngày 27 tháng 9 năm 2009.