Ðại sứ Mỹ: Tân chính phủ Bangladesh sẽ trực diện với 3 thách thức

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần lễ nữa thì bầu cử sẽ diễn ra ở Bangladesh, Đại sứ Hoa Kỳ tại nước này cảnh báo rằng cho dù ai đắc cử trong cuộc bầu cử này đi chăng nữa, thì người ấy cũng phải cùng lúc dồn nỗ lực vào 3 lĩnh vực chính: đó là kiến tạo dân chủ, thúc đẩy phát triển và đấu tranh chống khủng bố. Ông khuyến cáo rằng bằng không, Bangladesh sẽ phải đương đầu với những thách thức thậm chí còn nghiêm trọng hơn những gì mà đất nước này đang phải đối phó hiện nay. Từ thủ đô Dhaka, Thông tín viên Steve Herman gửi về đài VOA bài tường thuật sau đây.

Ngày 29 tháng 12 tới đây cử tri Bangladesh sẽ đi đầu phiếu. Cuộc bầu cử này nhằm mục tiêu phục hồi nền dân chủ ở quốc gia Nam Á có dân số lên tới 150 triệu, và đa số theo Hồi giáo. Cuộc bầu cử bị trì hoãn bấy lâu nay đã được xúc tiến sau gần 2 năm nước này bị đặt dưới quyền cai trị khẩn cấp của một chính phủ lâm thời được quân đội hậu thuẫn.

Trong một cuộc phỏng vấn do đài VOA thực hiện, Đại sứ Hoa Kỳ tại Bangladesh, ông James Moriarty, kêu gọi ứng cử viên đắc cử hãy tập trung vào 3 lãnh vực ưu tiên - là phục hồi dân chủ toàn diện, phát triển quốc gia và ngăn chận, không cho chủ nghĩa khủng bố có cơ hội phát triển ở Bangladesh.

Đại sứ Moriarty nói: “Bất cứ chính phủ nào ở Bangladesh, muốn thành công, cũng phải giải quyết cả 3 vấn đề này. Nếu dân chủ không hoạt động tốt đẹp, thì chúng ta sẽ chứng kiến sự xuất hiện của những khu vực không được cai quản, nền kinh tế sẽ phát triển chậm hơn tiềm năng có được. Và nếu không phát triển được thì thành phần dân nghèo sẽ đông đảo hơn, và như thế sẽ tạo điều kiện cho các thành phần xấu làm những điều bất hảo.

Bầu cử được tổ chức sau khi chính phủ lâm thời Bangladesh đồng ý trả tự do cho các thủ lãnh của 2 chính đảng chủ yếu trong nước. Thủ lãnh của Liên đoàn Awami và Thủ Lãnh Đảng Dân Tộc Bangladesh đã bị bắt trong khuôn khổ một chiến dịch quy mô để bài trừ tham nhũng. Hai đảng vừa kể đã thay nhau nắm quyền trong một thời kỳ đầy xáo trộn kéo dài 15 năm tại nước này, trong thời gian đó, đảng đối lập luôn luôn bị cáo buộc đã gây bạo động và đe dọa đảng kia.

Mới đây, Đại sứ Hoa Kỳ, ông Moriarty đã 2 lần xuất hiện với thủ lãnh đảng Liên đoàn Awami, bà Sheik Hasina. Tuy nhiên ông nói ông không thiên vị đảng này và ông hy vọng sẽ gặp lại thủ lãnh của Đảng Nhân dân Bangladesh, bà Khaleda Zia, trước ngày bầu cử.

Đại sứ Moriarty nói: “Chúng tôi không thiên về bất cử ứng cử viên nào. Tôi đã tiếp xúc với cả 2 vị cựu Thủ tướng Hasina và Zia. Tôi đã trấn an họ rằng Hoa Kỳ có các quyền lợi quan yếu ở Bangladesh, và muốn thấy quốc gia này trở lại với chế độ dân chủ. Hoa Kỳ sẽ hợp tác tốt đẹp với bất cứ chính phủ nào lên nắm quyền.”

Đại sứ Hoa Kỳ nói ông tin rằng quân đội Bangladesh muốn rút ra khỏi các vấn đề chính trị, và đã thực hiện tiến trình chuyển quyền theo đúng thời biểu do họ đề ra, để dọn đường cho một chính phủ dân sự do dân bầu lên.