Một cuộc điều tra chính thức đã phát hiện rằng cảnh sát Australia không có bằng cớ để truy tố một bác sĩ người Ấn Độ về những liên hệ mà ông này bị nghi là có liên quan đến một âm mưu khủng bố ở Anh. Bác sĩ Mohamed Haneef bị bắt tại Brisbane hồi tháng 7 năm 2007 và cuối cùng đã được phóng thích sau một cuộc điều tra vụng về của cảnh sát. Từ Sydney, thông tín viên Phil Mercer ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Ông Mohamed Haneef bị bắt sau khi chiếc thẻ SIM trong điện thoại di động của ông đuợc phát hiện nơi một trong các nghi can bị cho là thủ phạm một vụ đánh bom xe bất thành ở sân bay Glasgow của Scotland vào tháng 7 năm 2007.
Vị bác sĩ người Ấn Độ, làm việc cho một bệnh viện ở bang Queensland miền bắc Australia, bị truy tố về tội hỗ trợ cho một tổ chức khủng bố. Ông bị cáo buộc là có liên hệ với các phần tử tranh đấu bị cho là chủ mưu những vụ ở vương quốc Anh, nhưng vụ án chống lại ông đã mau chóng bị sụp đổ.
Các cáo trạng buộc tội ông đã được bãi bỏ, nhưng chính phủ đã hủy thị thực làm việc cho vị bác sĩ này, và buộc ông phải trở về Ấn Độ.
Chính phủ Australia đã ra lệnh tiến hành một cuộc điều tra pháp lý về vụ bắt giữ ông hồi năm ngoái. Cuộc điều tra cho thấy ông Haneef lẽ ra không bị truy tố và đề nghị cải tổ cách thức làm việc của cảnh sát và các giới chức di trú của Australia.
Bộ trưởng tư pháp Australia Robert McClelland tuyên bố các luật chống khủng bố của Úc sẽ được duyệt lại sau vụ án Haneef này.
“Đã sai phạm những lỗi lầm từ cấp viên chức cho đến các cấp cao nhất. Mọi người phải nhận trách nhiệm về điều đó. Thực vậy, Cảnh sát Liên bang Australia trong khi đệ nạp bản báo cáo của mình – và chắc chắn đã được ghi nhận trong báo cáo – thừa nhận rằng mọi việc lẽ ra có thể được tiến hành một cách hữu hiệu hơn và, quả thực đã đưa ra những đề nghị của chính mình về cách thức mọi việc có thể được cải tiến trong tương lai,” ông McClelland nói.
Cuộc điều tra do thẩm phán tiểu bang hồi hưu John Clarke đứng đầu, đã xác nhận là chính phủ bảo thủ trước của Australia không làm điều gì sai trái. Cuộc điều tra nói rằng việc bắt giữ vị bác sĩ Ấn Độ trẻ tuổi này không phải là một mưu toan có động cơ chính trị để khai thác các mối lo ngại của cộng đồng về chủ nghĩa cực đoan.
Bản phúc trình của thẩm phán Clark nhấn mạnh rằng ông Haneef không có can dự nào đến vụ tấn công bất thành ở phi trường Glasgow.
Ông Haneef hiện đang sống ở Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Luật sư của ông cho biết ông Haneef chưa quyết định liệu có nộp đơn đòi bồi thường hay không, nhưng tin rằng ít nhất thân chủ của ông cũng xứng đáng nhận được lời cáo lỗi của giới hữu trách Australia.