Vụ lừa đảo Madoff

Bernard Madoff, một tên tuổi lẫy lừng của thị trường tài chính New York, cựu chủ tịch thị trường chứng khoán Nasdaq, một cố vấn đầu tư có ảnh hưởng lớn đã xây dựng được một cơ sở mua bán chứng khoán thịnh vượng suốt hơn 40 năm qua. Nhưng hôm thứ năm 11 tháng 12 vừa qua, mọi người đều kinh ngạc khi nghe tin ông đã bị nhà chức trách liên bang câu lưu vì cáo buộc lừa đảo lên tới cả chục tỉ đô la tiền đầu tư của khách hàng, có lẽ đây là một trong những vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Theo luật sư của ông cho biết thì hiện giờ ông đã được tại ngoại hầu tra với số tiền thế chân là 10 triệu đô la.

Chúng tôi đã tiếp xúc với ông Ngô Nhân Dụng, kinh tế gia, nhà bình luận và ký giả của nhiều tờ báo Việt ngữ taị hải ngoại để tìm hiểu về vụ này. Mời quí vị theo dõi Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này với kinh tế gia Ngô Nhân Dụng về vụ lừa đảo Madoff.

VOA: Thưa ông, tầm cỡ của vụ lừa đảo này hiện chưa được xác định rõ, nhưng ước đoán ban đầu là vào khoảng 50 tỉ đô la. Bằng cách nào mà một công ty lớn như vậy lại có thể lừa đảo khách hàng? Xin ông giải thích rõ hơn để thính giả của đài biết thêm về vụ này?

Ngô Nhân Dụng: Ông ta vốn đã là một người thành công ở trong thị trường tài chính cuả nước Mỹ. Đã có lúc ông là chủ tịch hội đồng quản trị Nasdaq, tức là thị trường lớn thứ nhì sau thị trường DowJones. Với uy tín đó, ông có rất nhiều người thân, người quen là những nhà triệu phú, tỉ phú, và ông cũng là người giao du rất là rộng rãi, trong đó việc mà ông ta đóng góp tiền cho những quĩ từ thiện ở khắp nơi, đặc biệt là những quĩ giúp cho người Do Thái ở Mỹ cũng như là ở nước Israel khiến cho ông có mối giao du rất là rộng. Thành ra khi ông ta làm công việc đầu tư thì công việc chính không phải là làm công việc nhận tiền của người khác rồi đemđầu tư màchỉ là việc của người môi giới, tức là thi hành lệnh mua và bán của những người đưa tiền để mua những cổ phần mà người ta đã chọn. Công việc đó hoàn toàn chỉ sống nhờ hoa hồng mà thôi. Nhưng sau được người ta tín nhiệm rồi thì ông ta bắt đầu bước sang lãnh vực thứ hai, nhận tiền của các thân chủ rồi đem số tiền đó đi đầu tư rồi trả tiền lời cho các thân chủ. Chính ở trong công việc thứ hai này mà vụ lừa đảo đã xảy ra. Chính uy tín của ông ta đã khiến cho nhiều người có tiền giao tiền cho ông ta để đi đầu tư. Khi ông ta bắt đầu lừa đảo thì ông ta khai gian số tiền lời. Thay vì lời rất ít hoặc không có lời thì ông ta lại muốn cho thân chủ hài lòng nên lúc nào cũng báo cáo là số tiền đầu tư của họ có lời thường là từ1 đến 2% một tháng, tức là có nhiều người nhận được độ 10% một năm, suốt năm này đến năm khác, có thể kéo dài 5 năm trở lên. Họ còn cảm ơn ông Madoff và giới thiệu những người quen để góp tiền cho ông Madoff. Đây là một hành động chỉ thu hẹp trong giới quen biết trong các câu lạc bộ của những nhà giàu ở New York, ở Florida, ở Minnesota. Và những nhà giàu nào được giới thiệu để đưa tiền cho ông Madoff có khi họ lại còn coi đó là một vinh dự, và có những người góp khoảng độ 500 triệu đô la cho ông thì lấy làm an tâm lắm vì ai cũng nhận được tiền lời đều đặn.

VOA: Thưa ông, thế công ty của ông ta lấy tiền đâu để trả lời đều đặn cho khách hàng như vậy?

Ngô Nhân Dụng: Tiền mà ông Madoff đem trả cho thân chủ gọi là tiền lời thì thực sự ông ta đã lấy tiền của người góp sau để trả cho người góp trước,cái đó Mỹ gọi là kiểu lừa đảo Ponzi, ở Việt nam gọi là Kim tự tháp.

VOA: Có những dấu hiệu gì khiến một số người ngờ vực, không bỏ tiền đầu tư vào công ty Bernard Madoff?

Ngô Nhân Dụng: Chẳng hạn họ bảo không thể nào có một việc đầu tư nào cứ được lời đều đặn mươi phần trăm hết năm này sang năm khác trong khi thị trường rất nhiều lần lên xuống. Điều thứ hai người ta nói rằng công ty của ông này không có một kiểm tra đứng đắn nào cả. Cả một công ty đang quản lý hàng chục tỉ đô la mà việc kiểm toán lại giao cho một hãng nhỏ xíu chỉ có 3 nhân viên trong một căn phòng, mà căn phòng đó lại nằm trong cùng tòa nhà với công ty bị kiểm toán. Thành ra có nhiều người đến thấy vậy thì ngưng không đưa tiền cho ông Madoff nữa. Bây giờ người ta xét kỹ hơn cái kế hoạch làm ra tiền của ông ấy rất là khả nghi. Mỗi tháng, ông ấy gửi báo cáo cho thân chủ, nói rằng ông đã mua những cổ phần nào, đã mua và bán những option nào để giảm bớt những rủi ro của việc mua cổ phần. Nhưng mà bây giờ người ta mới thấy là những báo cáo mau bán cổ phần cho thân chủ của ông Madoff so với sổ sách của thị trường chuyên mua bán options ở Chicago thì chuyện mua bán đó không hề xảy ra, tức là ông ấy nói là làm những công việcđầu tư, mà thực ra không làm. Nếu có một cơ quan kiểm toán lớn, đứng đắn và độc lập với ông Madoff thì những chuyện đó đã phải phơi bày ra. Thành thử đầu tư mà thiếu minh bạch, công khai, thiếu cái gọi là transparency thì nguời giao tiền cho những quĩ (đầu tư) đó thế nào cũng bị thiệt. Đó là một bài học cho những nguời đầu tư lớn cũng như nhỏ.

VOA: Trước đây đã có lời tố cáo là công ty này làm ăn mờ ám, mà tại sao ủy ban kiểm soát giao dịch chứng khoán lại để yên cho đến bây giờ đến nỗi vụ này đổ bể lớn như vậy?

Ông Ngô Nhân Dụng: Ủy ban giao dịch chứng khoán SEC có tới kiểm tra, họ thấy rằng ông có phạm một lỗi lầm nhỏ về sổ sách mua bán chứng khoán mà thôi, cho nên người ta không tiếp tục điều tra nữa. Họ thiếu người, thiếu phương tiện, họ không làm hết được việc. Chuyện chính của ủy ban giao dịch chứng khoán là làm công việc giống như ông cảnh sát, đi tuần hành, kiểm soát các ngã tư. Nhưng cái chuyện có gây tai nạn hay không vẫn là chuyện của người lái xe. Thành thử dù cho Ủy Ban Giao Dịch Chứng Khoán có tăng nhân viên để đi kiểm soát thường xuyên thì cũng không thể nào làm hết được, cũng nnhư dù có bao nhiêu cảnh sát đi chăng nữa, lâu lâu cũng có tai nạn, cũng có những người trộm cắp không thể nào tránh được. Điều chính là người nào có tiền đầu tư phải lo việc đầu tư của mình, cũng như những người lái xe phải lái cho cẩn thận, không thể chờ là có ông cảnh sát chỉ đường thì mình sẽ an toàn hơn.

VOA: Ngoài nhhững tay tỉ phú, triệu phú giàu sụ ở Mỹ đã đưa tiền cho ông Madoff đầu tư, còn có những ngân hàng nào hoặc tổ chức nào cũng bị thiệt hại trong vụ này thưa ông?

Ông Ngô Nhân Dụng: Điều đặc biệt buồn cười trong vụ này là những ngân hàng ở Mỹ không bị dính vào bao nhiêu, chả thấy nói đến ai, nhưng những ngân hàng ở Châu âu bị dính rất nhiều, trong đó có ngân hàng Hồng Kông Thượng Hải ở bên London, ngân hàng Royal Bank of Scotland cũng ở bên Anh, ngân hàng Santander ở Tây Ban Nha là bị nặng nhất,mất khoảng 3 tỉ. Rồi một số ngân hàng Thụy Sỹ lớn cũng bị mất. Ở Mỹ mà bị mất nhiều là những quĩ đầu tư lớn như quĩ đầu tư Fairfield, mất khoảng 7 tỉ, quĩ Tremont mất khoảng 3 tỉ. Câu hỏi đặt ra là: tại sao những quĩ đầu tư lớn như vậy lại cũng cả tin cái ông Madoff này? Câu trả lời mà chúng ta có thể dự đoán được là: chính những người điều khiển những quĩ đầu tư đó họ lơ là, thu tiền vào, giao cho ông Madoff quản lý và họ chỉ ngồi không thôi và họ được hưởng một số tiền hoa hồng rất lớn. Còn những ngân hàng quốc tế mà bị như vậy phần lớn là vì họ cho các thân chủ của họ vay tiền để đầu tư vào quĩ Madoff. Có những ngân hàng còn khuyến khích thân chủ, thậm chí còn đứng ra bảo đảm cho thân chủ trong những vụ đầu tư này, thì những ngân hàng đó hiện nay bị dính và mất hàng tỉ Mỹ kim. Điều buồn cười nhất là những nơi bị thiệt hại nhất không phải là công chúng ở nước Mỹ, không phải là những ngân hàng ở nước Mỹ, mà là những cơ quan từ thiện bị nặng nhất, bởi vì rất nhiều thân chủ của ông Madoff là những hội thiện, đặc biệt là những hội thiện của người Do Thái, và nhiều tỉ phú có tiền đưa cho ông Madoff đầu tư họ cũng là những người chuyên môn cúng cho các hội thiện, và bây giờ mất tiền thì họ cũng không còn tiền để cúng nữa.

Quí vị vừa theo dõi bài phỏng vấn kinh tế gia Ngô Nhân Dụng về vụ lừa đảo Madoff, một vụ có lẽ là lớn nhất trong lịch sử thị trường tài chính Mỹ.