ASEAN ban hành Hiến Chương của tổ chức

Hiến chương của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã trở thành một văn kiện có quy chế chính thức ràng buộc các thành viên vào một khung pháp lý có giá trị cao. Tuy nhiên vào lúc mà châu Á bắt đầu chịu ảnh hưởng thực sự của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, có lẽ còn phải mất thêm một thời gian nữa tổ chức khu vực này mới bắt đầu hành động theo mô hình cộng đồng giống như Liên hiệp châu Âu. Từ Jakarta, Thông tín viên Katie Hamann gởi về bài tường trình cho đài VOA sau đây.

Hơn bốn thập niên kể từ khi thành lập, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN, hôm thứ hai vừa qua mới trở thành một thực thể pháp lý, và có thể diễn biến này sẽ trở thành một động lực mới góp phần thúc đẩy sự đoàn kết của của các quốc gia thành viên.

Phát biểu tại hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Tổng thống Susilo BambangYudhoyono của Indonesia gọi việc phê chuẩn Hiến chương là một động lực thúc đẩy mới và là một chỉ dấu báo hiệu sự chuyển đổi của tổ chức khu vực này.

Ông Yudhoyono nói: “Hiến chương sẽ là một cơ sở để chúng ta tăng nhanh và đẩy mạnh việc kết hợp các nước trong khu vực. Theo tinh thần của điều khoản trong Hiến chương, chúng ta có thể chuyển đổi ASEAN từ một hiệp hội có những mối quan hệ ràng buộc lỏng lẻo sang thành một cộng đồng ASEAN, đặt trên nền móng hợp tác an ninh chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác văn hóa xã hội.”

Hiến chương ASEAN bao gồm những cam kết đối với các nguyên tắc dân chủ, pháp quyền, cai trị đúng đắn, tôn trọng và cổ xúy cho nhân quyền.

ASEAN có 10 thành viên: Brunei, Miến Điện, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Dân số của khu vực này khoảng nửa tỉ người. Mức độ phát triển của các nước thành viên của khu vực này không đồng đều, từ những nước có mức độ giàu có điển hình như Singapore và Bruinei, cho dến những nước nông nghiệp nghèo nàn như Lào, và Campuchia. Về chính trị, ASEAN có những nước dân chủ như Philippines và Indonesia, và có nước do chính phủ quân nhân cai trị như Miến Điện.

Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, nói rằng mọi thành viên đều có những điều cần phải làm theo những cam kết của Hiến chương.

Ông Surin nói: “Dân chủ giống như một trò kéo co trong khu vực. Nhiều nước trước đây đã vượt lên trước trong tiến trình dân chủ nhưng nay lại đang bị nước khác bỏ lại đằng sau. Mọi thành viên đều đang trong tiến trình chuyển đổi, để trở nên cởi mở hơn, tích cực tham gia vào các hoạt động hơn và dân chủ hơn. Chưa có một nước thành viên nào hoàn hảo cả.

Trước đó theo dự trù Hiến chương sẽ được chính thức ra mắt tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN trong tháng này tại Thái Lan, thế nhưng cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan đã khiến cho hội nghị phải hoãn lại. Hội nghị được triệu tập tại văn phòng Tổng thư ký ở Jakarta là để chính thức bắt đầu ban hành văn kiện này.

Hiến chương sẽ mở một cánh cửa cho thị trường chung ASEAN trong vòng bảy năm nữa. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện đang diễn ra có thể sẽ cản trở mục tiêu đó. Dư luận đang lo ngại rằng cuộc khủng hoảng kinh tế có thể sẽ làm chậm lại nỗ lực đàm phán về bản hiệp định tự do mậu dịch.

ASEAN cũng bị chỉ trích nhiều vì đã thất bại trong việc chấn chỉnh tình trạng nhân quyền bị vi phạm tại các nước thành viên, nhất là tại Miến Điện dưới sự cai trị của chính phủ quân nhân.

Các nhà phân tích chính trị nói rằng các thành viên của ASEAN có thể sẽ tiếp tục truyền thống là sẽ không can thiệp vào nội tình của nước khác.

Tuy nhiên Tổng thư ký Surin nói rằng các nhà cổ xúy cho nhân quyền nay đã có được văn kiện pháp lý để tăng thêm trọng lượng cho những ý kiến của họ.

Ông Surin nói: “Những ai trong quý vị mong muốn nêu vấn đề nhân quyền lên bây giờ luôn có thể dựa vào văn kiện này. Cần phải có một chỗ nào đó để xuất phát, và có chỗ để cải thiện. Nhưng nếu nói văn kiện này không có giá trị là không đúng.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN bị hoãn lại có thể được tổ chức vào tháng hai hoặc tháng ba năm tới.