Thông tín viên Ben Stocking của AP cũng có một bài viết với nội dung tương tự, nói rằng những trang blog nở rộ trên internet đang tạo ra một thử thách lớn cho chính quyền Việt Nam.
Bài báo viết rằng mùa Thu vừa rồi, khi cảnh sát đụng độ giáo dân Công Giáo về vụ tranh chấp đất đai của giáo hội bị chính quyền tịch thâu, quần chúng đã đọc tất cả những tin tức liên quan tới vụ này trên những trang blog.
Hình ảnh, tin tức của các thông tấn xã tây phương liên quan tới các vụ cầu nguyện đã được đưa lên những trang blog, nơi tất cả các loại tin được loan tải, từ tin liên quan tới ma túy, hôn nhân, bệnh AIDS cho tới những lời chỉ trích chính phủ cộng sản.
Theo ông Ben Stocking, cho tới nay, nói một cách tổng quát, chính phủ vẫn giữ thái độ chưa đụng tay vào những trang blog này, nhưng các viên chức của Bộ Thông Tin và Truyền Thông cho thấy đã mất kiên nhẫn. Các viên chức này nói rằng họ đang chuẩn bị những luật lệ mới để hạn chế các trang blog trong những vấn đề có tính cách cá nhân, có nghĩa là không được bàn cãi về chính trị.
Bài báo của phóng viên Ben Stocking cho biết cho tới nay Việt Nam chưa mạnh tay như Trung Quốc trong vụ đàn áp các trang blog có nội dung chính phủ không ưa thích.
Chính phủ hiện chỉ ngăn chặn một số trang web của người Việt hải ngoại mà chính phủ cho là một mối đe dọa về chính trị.
Bà Rebecca MacKinnon, giáo sư viện đại học Hồng Kông từng viết về các chính sách internet của Trung Quốc, cho rằng có thể chính phủ Việt Nam không muốn đương đầu với hậu quả của vụ đàn áp có thể xảy ra. Một số bloggers lại nói rằng chính phủ không theo kịp đà phát triển của những trang blog.
Thông Tấn Xã Vàng Anh, một trang blog được nhiều người đọc và tự phong cho mình danh hiệu thông tấn xã của quần chúng, cho rằng chính phủ không có kỹ thuật và nhân lực để kiểm soát mọi blogger.