Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc kêu gọi phải chấm dứt nạn cưỡng bách trẻ tham gia lực lượng vũ trang tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Cơ quan Liên Hiệp Quốc này nói rằng tất cả các bên tham chiến tại Tỉnh Bắc Kivu đều buộc trẻ em phải gia nhập hàng ngũ binh lính của họ. Từ Genève, Thông tín viên Ayaz Gul gửi về bài tường trình sau đây.
Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc nói rằng các cuộc giao tranh giữa chính phủ và các nhóm nổi dậy tại tỉnh Bắc Kivu đang đặt trẻ em vào tình trạng dễ bị hành hạ và bóc lột sức lao động.
Theo cơ quan này thì những đứa trẻ bị buộc phải dời cư vì chiến tranh là thành phần đặc biệt dễ bị khai thác nhất.
Người phát ngôn của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc, bà Miranda Eeles, nói việc cưỡng bách trẻ em phải cầm súng chiến đấu là một tệ nạn lan tràn trên khắp khu vực, và hiện đang gia tăng.
Bà Eeles nói trong tuần này, Quỹ Nhi Đồng đã nhận được tin tường trình chưa được kiểm chứng, rằng 5 trẻ em ở Kitchanga đã được tuyển mộ vào hàng ngũ quân đội.
Bà Eeles nói: “Dường như tất cả các nhóm vũ trang ở Bắc Kivu tiếp tục cưỡng bách trẻ em gia nhập lực lượng của họ. Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc kêu gọi tất cả các nhóm vũ trang này hãy lập tức ngưng các hoạt động tuyển mộ trẻ em và trả tự do cho tất cả những đứa trẻ đang ở trong tay của họ. Việc tuyển mộ binh sĩ nhỏ tuổi là một tội ác chiến tranh và giới chỉ huy sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về vấn đề này.”
Chiến tranh tại vùng đông Congo đã diễn ra dữ dội trong hơn một thập niên qua giữa chính quyền Congo và nhiều nhóm nổi dậy khác nhau.
Các tổ chức bênh vực nhân quyền ước lượng hơn 5 triệu người dã thiệt mạng, phần lớn do các bệnh có thể ngăn ngừa được và do suy dinh dưỡng. Hàng trăm ngàn người đã lâm vào tình trạng vô gia cư.
Từ khi vụ giao tranh mới nhất bùng nổ hồi tháng 8 vừa qua, hơn 250,000 người đã bị buộc phải dời cư. Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc nói trẻ em phải rời bỏ nhà cửa lánh nạn thường bị chia cách với gia đình và không được bảo vệ.
Bà Eeles nói rằng những đứa trẻ phải dời cư ở Bắc Kivu dễ lâm vào nguy cơ bị tiêu chảy cấp tính và mắc bệnh sởi. Bà nói rất nhiều trẻ em trong dạng này bị suy dinh dưỡng.
Bà Eeles còn nói rằng các trường học vốn theo truyền thống được coi là những nơi an toàn và ấm cúng đối với trẻ con. Thế nhưng tại Bắc Kivu, các trường học không còn giữ được vai trò ấy nữa.
Bà Eeles giải thích: “Điều đáng tiếc là, 85% các trường học trong vùng lãnh thổ Rushuru hãy còn đóng cửa, khiến cho khoảng 150,000 học sinh không có chỗ học hành. Thêm vào đó, ngay cả các trường học còn mở cửa, chúng tôi phát hiện rằng phụ huynh vẫn tỏ ra quá sợ hãi, không dám gửi con đến trường vì những vụ giết chóc, mất tích tại đó, và đương nhiên, các học sinh tại các trường học dường như đã trở thành mục tiêu để các phe phái tham chiến nhắm tới.”
Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc kêu gọi tất cả các nhóm vũ trang hãy thành lập một môi trường an toàn để các trường học có thể mở cửa trở lại, và trẻ con có thể yên ổn học hành.