Quốc hội VN bác dự án bầu trực tiếp Chủ tịch UBND cấp cơ sở

Dân chúng Việt Nam hồ hởi theo dõi cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ hôm mùng 4 tháng 11 vừa rồi, nhưng lại có thái độ vui buồn lẫn lộn về chuyện nên có thêm dân chủ ở Việt Nam hay không. Tháng trước, chính phủ Việt Nam đề nghị một chương trình thử nghiệm nhằm cho phép thực hiện những cuộc bầu cử trực tiếp một số nhà lãnh đạo tại địa phương. Thế nhưng hôm thứ Bảy vừa rồi, quốc hội Việt Nam đã bác bỏ đề nghị này. Từ Hà Nội, thông tín viên Matt Steinglass của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ gửi về bài tường thuật, đề cập thêm nhiều chi tiết về việc vừa kể.

Những âm thanh mà quí vị vừa nghe là tiếng hò reo trong một buổi tiệc do Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức hôm mùng 5 tháng 11 để theo dõi kết quả cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ, và trong số quan khách tham dự có vài chục người Việt hiếu kỳ. Chị Đỗ Hoàng Anh, làm việc cho một dự án hỗ trợ do Hoa Kỳ tài trợ, cho biết đây là lần đầu tiên chị chứng kiến phương thức hoạt động của các cuộc bầu cử tại Mỹ.

Chị Anh nói: "Đối với người ngoài cuộc, không hẳn thực sự là ngoài cuộc, mà là người nước ngoài như tôi, thật là thích thú khi theo dõi đường lối hoạt động của hệ thống chính trị của Mỹ để chọn người tài giỏi nhất cho hệ thống này."

Cứ mỗi 5 năm, Việt Nam lại tổ chức những cuộc bầu cử riêng của mình. Tuy nhiên, đảng cộng sản lại là chính đảng hợp pháp duy nhất. Cử tri bỏ phiếu bầu quốc hội và hội đồng nhân dân địa phương theo một danh sách ứng viên được đảng chấp thuận.

Tuy nhiên các hội đồng nhân dân này đều chẳng có quyền hành gì cả và tỏ ra thiếu hữu hiệu. Quyền hành thực sự nằm trong tay các tổ chức mệnh danh là Ủy Ban Nhân Dân.

Tháng này, lần đầu tiên chính phủ đề nghị thử nghiệm một ý kiến mới tại một vài chục quận. Đề nghị này nhằm loại bỏ các hội đồng nhân dân và cho trực tiếp bầu nhân vật có nhiều quyền hành nhất tại mỗi quận, đó là Chủ Tịch Ủy ban Nhân Dân.

Ông Tim McGrath, một chuyên viên về vấn đề chính quyền của Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội, cho biết chi tiết về chương trình đề nghị này thiếu rõ ràng.

Ông McGrath nói: "Vào lúc này, Hội Đồng Nhân Dân là cơ quan chấp thuận Ủy Ban Nhân Dân. Nếu bỏ Hội Đồng Nhân Dân tại cấp quận, người ta không rõ lúc đó chuyện gì sẽ xảy ra."

Đề nghị này cũng không nói rõ ai là người được phép ứng cử vào vai trò Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân.

Ông Cù Huy Hà Vũ, một luật sư người Việt, cho biết những cải cách này sẽ thất bại nếu chính quyền không mở rộng các cuộc bàu cử thêm nữa.

Ông Carl Thayer, một chuyên viên về Đông Nam Á thuộc Viện Quốc Phòng Úc, cho biết cải cách vừa kể là một phần của điều chính phủ Việt Nam gọi là những biện pháp dân chủ tại gốc rễ. Theo ông, những biện pháp này được khởi sự từ một thập niên trước đây, sau một đợt phản kháng tại tỉnh Thái Bình.

Ông Thayer nói: "Đảng và chế độ cầm quyền nhìn thấy rằng thái độ làm việc của các viên chức địa phương, chẳng hạn như dùng sai trái các ngân quỹ phát triển, bầy đặt ra những khoản thuế bất hợp lệ để làm giàu, đã khiến dân chúng bất mãn. Người ta có thể làm gì bây giờ để ngăn chặn những vụ nóng bỏng này tái diễn và tạo bất ổn?"

Câu trả lời là đưa thêm dân chủ vào guồng máy chính quyền. Theo ông Thayer, Việt Nam có thể bắt chước những cải cách này của Trung Quốc. Ông Ngô Quý Ngọ, Phó Giám Đốc Học Viện Ngoại Giao Việt Nam, cho hay kinh nghiệm của các nước khác dạy cho người Việt biết là phải thực hiện việc dân chủ hóa một cách từ từ.

Ông Ngọ nói: "Nước ngoài đầu tư vào Việt Nam rất nhiều. Tại sao vậy ? Vì xã hội ổn định. Đó là lý do khi nhìn ra ngoài, chúng tôi nhìn tới các vùng khác. Chúng tôi thấy khi nào xã hội không ổn định, không ai muốn tới làm ăn buôn bán. Thí dụ như tại Phi Châu và vài nước Trung Đông, ngay cả tại vài quốc gia ở Đông Nam Á nữa."

Theo ông Ngọ, Việt Nam đang đi vào dân chủ từng bước một. Đối với một số người Việt khác, những cải cách hiện nay chưa đi đủ xa. Ông Trịnh Duy Luân, Giám Đốc Viện Xã Hội Học, nói rằng Việt Nam cần thực hiện thêm nhiều đổi thay căn bản,

Đảng Cộng Sản và Bộ Nội Vụ đầy quyền lực chấp thuận kế hoạch cải cách, nhưng hôm thứ Bảy vừa rồi, quốc hội đã bác bỏ kế hoạch này. Ðại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc nói rằng việc quốc hội bác bỏ hầu như là chuyện chưa từng có.

Lẽ dĩ nhiên, điều đó chính là chủ điểm của chính quyền dân chủ : muốn dành cho người dân thêm nhiều tiếng nói, giới cầm quyền phải từ bỏ một số kiểm soát. Điều này dường như là một ý kiến gây nhiều phiền toái cho nhiều đảng viên trong đảng Cộng Sản Việt Nam.

Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để nghe toàn bộ bài tường trình.