Việt Nam sửa đổi luật quốc tịch, hợp pháp hóa tình trạng song tịch

Việt Nam đã sửa đổi luật quốc tịch để hợp pháp hóa tình trạng song tịch, một sự kiện có thể ảnh hưởng tới nhiều người trong số hơn 3 triệu người Việt sống ở nước ngoài.

Theo Thông Tấn Xã AFP, Quốc hội Việt Nam hôm thứ Năm đã thông qua một đạo luật được sửa đổi lại, trong đó vẫn duy trì nguyên tắc một quốc tịch có từ lâu nay tại Việt Nam, nhưng lần đầu tiên cho phép người dân được giữ thêm một quốc tịch khác trong một số trường hợp đặc biệt.

Tin nói rằng sự thay đổi này có nghĩa là nhiều người tị nạn sau cuộc chiến và nhiều người Việt sống ở hải ngoại đã trở thành công dân của một nước thứ nhì có thể chính thức xin nhập lại quốc tịch Việt Nam mà không phải từ bỏ quốc tịch mới của họ.

AFP trích tin của Thông Tấn Xã Việt Nam nói rằng ai xin nhập lại quốc tịch Việt Nam có thể giữ quốc tịch nước ngoài của mình nếu có những lý do chính đáng và được sự cho phép của Chủ Tịch nước. Luật mới cũng cho phép trẻ em sinh ở nước ngoài có ít nhất cha hoặc mẹ là người Việt cũng có thể xin nhập quốc tịch.

Tin cho hay: từ nhiều năm nay Việt Nam vẫn tìm cách lôi kéo người Việt sống ở hải ngoại, thường được gọi là Việt Kiều, về nước cùng với tiền bạc và khả năng chuyên môn của họ, trong đó nhiều người vẫn còn nuôi dưỡng một thái độ thiếu tin tưởng sâu đậm nơi chính phủ của đất nước mà họ đã bỏ đi.

Nhiều người này đã rời bỏ Việt Nam trong thời gian cuộc chiến đang xảy ra, hoặc sau khi kết thúc năm 1975, và thường phải trải qua những cuộc hành trình đầy hiểm nguy của những thuyền nhân, rồi những năm tháng dài trong các trại tị nạn để xây dựng cuộc đời mới tại khoảng 100 quốc gia.

Bản tin của Việt Nam Thông Tấn Xã nói rằng luật một quốc tịch xưa cũ không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện nay và đưa tới nhiều vi phạm. Nội dung đạo luật mới cho những ai lấy lại quốc tịch Việt Nam được bảo đảm mọi quyền lợi của một công dân và phải tôn trọng các bổn phận của người dân đối với đất nước và xã hội.

Điều này có nghĩa là những ai lấy lại quốc tịch Việt được hưởng mọi quyền lợi, như quyền mua nhà, nhưng cũng có thể phải thi hành những nghĩa vụ như nghĩa vụ quân sự đối với phái nam.

Tuy nhiên, giới hữu trách cho biết chính phủ sẽ đưa ra thêm nhiều nghị định khác nữa để làm sáng tỏ thêm một số điều trong đạo luật đã được sửa đổi.