Hàng trăm tín đồ Công Giáo phản kháng đòi chính quyền trao trả lại miếng đất thuộc Tòa Khâm Sứ cũ đã bị các thanh niên, cựu chiến binh và thành viên của các tổ chức cộng sản tấn công chiều thứ Năm.
Tin của Catholic News Agency và của Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam cho hay nhóm người hậu thuẫn cho chính quyền đã đuổi giáo dân ra khỏi khu vực này rồi tụ tập trước văn phòng của Đức Tổng Giám Mục địa phận Hà Nội, hô to những khẩu hiệu cộng sản và đòi giết Đức Tổng Giám Mục, người bị nhóm này đổ tội là phản nghịch.
Vụ vừa kể diễn ra chỉ một tuần lễ sau khi vài nhà lập pháp Hoa Kỳ yêu cầu chính phủ Việt Nam tôn trọng những vụ phản kháng bằng đường lối ôn hòa, quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo.
Tin nói rằng trong vụ xung đột diễn ra vào lúc 4 giờ chiều ngày thứ Năm, các linh mục và nhân viên văn phòng của Tòa Tổng Giám Mục đã rút vào bên trong tòa và đóng kín các cửa.
Theo lời Linh Mục Đặng An kể lại với Catholic News Agency thì hàng trăm cảnh sát và cán bộ của chính phủ có mặt tại đó để lo việc đập phá Tòa Khâm Sứ cũ đã không có một hành động nào nhằm giúp giáo dân.
Tin còn nói rằng một số cảnh sát và cán bộ nhà nước còn hỗ trợ những kẻ chủ mưu tấn công phá hủy môt cây thánh giá bằng sắt giáo dân dựng lên tại địa điểm này từ hồi tháng Giêng. Các lực lượng thân chính quyền còn khênh tượng Đức Mẹ Sầu Bi đặt trong một xe vận tải.
Giáo dân đã đưa bức tượng này tới miếng đất của Tòa Khâm Sứ cũ trong lúc thực hiện những buổi cầu nguyện đầu tiên trước Lễ Giáng Sinh năm 2007. Bức tượng này đã được dựng lên trên mảnh đất bị tranh chấp từ trước ngày mảnh đất này bị chính quyền tịch thâu năm 1959.
Tin cho hay: một số giáo dân đã chạy vào Nhà Thờ Lớn gần đó, rung chuông kêu gọi các giáo xứ lân cận tới giúp đỡ. Nghe tiếng chuông nhà thờ đổ liên hồi, cảnh sát kêu gọi đám người thân chính quyền rút lui để tránh xung đột với các giáo dân đang kéo tới, và lúc đó chiếc xe vận tải chở tượng Đức Mẹ Sầu Bi chạy đi đâu không ai rõ.
Tin nói rằng vào lúc 7 giờ tối ngày thứ Năm, hàng ngàn giáo dân đã tụ họp tại khu vực Tòa Khâm Sứ cũ để phản kháng vụ tấn công nhắm vào những người biểu tình và vào văn phòng của Đức Tổng Giám Mục.