Liên quan đến vụ giáo dân đòi chính quyền Hà Nội giao trả lại tòa khâm sứ cũ và mảnh đất thuộc giáo xứ Thái Hà, ban Việt ngữ đài VOA đã tiếp xúc với giáo sư Nguyễn Thanh Giang, một cư dân tại Hà Nội, để nghe ông trình bày ý kiến và thuật lại một số dư luận ở đó.
VOA: Thưa giáo sư, là một cư dân ở Hà Nội, ông nghĩ gì về vụ đòi đất giáo xứ Thái Hà và vụ chính quyền gấp rút cho xây công viên ở tòa Khâm Sứ cũ ?
GS Giang: "Ngay từ lúc đầu xảy ra vụ bên công giáo đề xuất cái việc mà họ muốn có lại cái khoảnh đất của họ mà từ ngày xưa họ đã có, có từ thời Pháp thuộc, thời phong kiến, thì tại sao bây giờ họ lại không thể có được cái mảnh đất ấy trả lại ? Nhà nước nếu mà xem công giáo cũng là con dân của mình thì phải nhìn nhận với cái tấm lòng lành của mình mà giải quyết êm thấm hơn. Ví dụ như cái vụ ở Thái Hà thì tôi nhìn thấy rõ hơn và tôi thấy ngay từ đầu nhà nước đã không xem cái việc ấy là một cái yêu cầu chính đáng của giáo dân và ngay từ lúc đầu, vì không giải quyết thấu triệt, không thỏa đáng cái yêu cầu của họ nên dẫn đến cái việc giáo dân họ phải đi làm lễ cầu,cầu xin, và như một hình thức biểu tình đòi lại đất, như vậy thì lại đẩy cái việc đó lên thành cái mâu thuẫn và làm cho nó căng thẳng. Bây giờ, thì như TV đưa tin, tôi thấy công viên cây xanh tại tòa Khâm Sứ đã được hoàn thiện hết sức gấp gáp và hết sức nhanh chóng, và có lẽ mấy ngày tới thì ở Thái Hà cũng sẽ được xúc tiến cái việc ấy. Thì cái việc ấy nhà nước đã chứng tỏ được cái sức mạnh của mình và đã thắng ở bên tôn giáo. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây chỉ là sức mạnh của nhà cầm quyền đã thắng được tôn giáo, như vậy tức là mình thắng con dân mình. Như vậy cũng chả có tốt đẹp gì và như vậy nó có thể đem lại những cái hậu quả không tốt đẹp và cái ấm ức, cái nỗi trăn trở, cái nỗi bức xúc của những người bà con giáo dân nó vẫn còn đó."
VOA: Người dân Hà Nội có thái độ như thế nào về vụ tranh chấp giữa đôi bên như thế này, thưa giáo sư?
GS Giang: "Bất cứ một cái hiện tượng xảy ra trong xã hội thì cũng có những nhãn quan nhìn vào khác nhau. Cũng có những người họ nghĩ như là họ đã được phát biểu trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà nhà nước cho phép họ nói. Thứ nhất có những ý kiến cho rằng nhà nước giải quyết như vậy là đúng pháp luật, rồi họ lên án bên giáo dân, đặc biệt là gần đây họ lại dồn dập lên án linh mục Ngô Quang Kiệt. Nhưng mà cũng có những cái nhãn quan khác nhau, họ nhìn vào, họ thấy như thế thì họ rất là thương cảm bà con giáo dân coi như là đã thất bại, đã đề đạt cái nguyện vọng có thể xem là chính đáng của mình mà không được nhà nước xem xét và thỏa mãn cho họ. Không những thế họ còn bị đưa ra để bêu riếu xấu xa, đặc biệt là linh mục Ngô Quang Kiệt."
VOA: Thưa giáo sư, truyền thông Việt nam trích dẫn lời Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt nói rằng 'chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi cảm thấy nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam', vậy giáo sư nghĩ như thế nào về lời trích dẫn này và kinh nghiệm trước đây khi giáo sư ra nước ngoài?
GS Giang: "Trước đó tôi đi ra nước ngoài thì tôi thấy cũng có cái hiện tượng ấy thật. Nhiều lúc thấy cũng hẫng hụt, thấy rằng cùng đi một đoàn với nhau như thế này nhưng mà người các nước khác thì xuống sân bay đi vào xem xét hộ chiếu thì những người khác họ đi rất nhanh, còn họ thấy tôi là người Việt Nam thì họ cầm lại họ giải quyết rất là lâu, và thậm chí là tôi bị theo dõi ngay, thì cái hiện tượng ấy là hiện tượng có thật."
Kính thưa quí thính giả, để làm sáng tỏ vấn đề, chúng tôi xin trích dẫn một đoạn đầy đủ hơn về lời phát biểu của Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt tại cuộc họp với Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội.
Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt: "Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều và chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm hộ chiếu Việt nam, đi đâu cũng bị soi xét chúng tôi buồn lắm chứ. Chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi không ai xem xét gì cả, hay anh Hàn quốc bây giờ cũng thế, còn người Việt nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước vững mạnh và làm sao có sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng."
Xin mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để nghe cuộc phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Thanh Giang do Lan Phương thực hiện.