Ông Aso nhiều khả năng trở thành thủ tướng Nhật

Một đa số áp đảo các thành viên trong đảng đương quyền tại Nhật Bản đã chọn cựu ngoại trưởng Taro Aso làm người lãnh đạo, và gần như chắc chắn là ông sẽ trở thành thủ tướng trong tuần này. Ông Aso nay sẽ đứng trước một nhiệm vụ gay go là thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ của Nhật Bản, nếu ông muốn ngăn chặn một thách thức nghiêm trọng về mặt chính trị cho 55 năm cầm quyền của đảng ông trong cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm nay. Thông tín viên đài VOA tại Hán Thành Kurt Achin ghi nhận thêm chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Hôm nay, ông Taro Aso đã sử dụng các từ như ‘sứ mạng’ và ‘định mệnh,’ khi ông nhận chức vụ lãnh đạo đang cầm quyền tại Nhật Bản là đảng Dân chủ Tự do, còn gọi tắt là LDP. Các thành viên trong đảng đã bầu cho ông với đa số phiếu 2/3, đưa ông vào con đường sẽ được Quốc hội chuẩn nhận là thủ tướng của Nhật Bản trong tuần này.

Hai người tiền nhiệm của ông Aso đã bất thần từ chức vì điểm ủng hộ bị sụt mạnh có liên quan đến việc bị coi là xử lý sai trái nền kinh tế. LDP đã cầm quyền tại Nhật Bản hơn 50 năm, nay phải đối diện với một thách thức nghiêm trọng trong cuộc tổng tuyển cử dự trù sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.

Hôm nay, ông Aso nói với các thành viên trong đảng rằng ông là người sẽ củng cố lại đảng đang trong tình thế khó khăn.

Ông Aso nói rằng ông kiên quyết lãnh đạo đảng LDP để đạt thắng lợi trong cuộc bầu cử, hồi sinh đất nước, quảng bá cải cách và tiến tới.Ông Aso cũng cần phải đoàn kết lại đảng đã bị rạn nứt bằng cách kêu gọi các ủng hộ viên của 4 đối thủ của ông trong cuộc bỏ phiếu của LDP hôm nay.

Tuy nhiên, thách thức chính của ông là thổi một làn sinh khí mới vào nền kinh tế u ám trong nước. ng Aso nói rằng ông sẵn sàng thi hành nhiệm vụ này.

Ông Aso nói rằng kinh tế là vấn đề quan trọng nhất của Nhật Bản ngay lúc này. Ông Aso đã bầy tỏ sự chống đối nhiều biện pháp cải cách tư nhân hóa và thay đổi luật lệ của cựu thủ tướng Junichiro Koizumi. Ông Jeffrey Kingston, giáo sư về Khảo cứu Á châu tại trường đại học Temple ở Nhật Bản, cho rằng ông Aso ủng hộ một vai trò tích cực của chính phủ trong nền kinh tế, nhưng có thể ông sẽ cần phải thuyết phục được công chúng.

Ông Kingston nói: “Ông ấy tán thành một chính sách tăng ngân sách của chính phủ, cắt giảm thuế và trợ cấp và những thứ theo đường lối mà họ hy vọng sẽ hồi sinh được nền kinh tế. Và trong tình thế Nhật Bản đã mắc một khoản nợ 166 phần trăm so với tổng sản phẩm quốc dân, thì nhiều người cho rằng đây có lẽ không phải là một điều nên làm.”

Trên mặt trận quốc tế, ông Aso là một người thẳng thắn ủng hộ việc hợp tác với Hoa Kỳ. Theo dự kiến, ông sẽ cố gắng khai thông tình trạng bế tắc đã khiến Nhật Bản phải đình chỉ việc tiếp thêm dầu cho các tầu bè tham gia vào các nỗ lực ổn định hóa do Hoa Kỳ lãnh đạo tại Afghanistan.

Người ta cũng trông đợi ông Aso sẽ làm áp lực mạnh với Bắc Triều Tiên về vấn đề các công dân Nhật bị bắt cóc, và về việc Bình Nhưỡng hứa sẽ hủy bỏ các vũ khí hạt nhân, là những vấn đề sẽ được Nam Triều Tiên theo dõi sát.