Số người nghèo trên thế giới gia tăng

Theo một phúc trình của cơ quan cứu trợ quốc tế CARE International thì số người sống bên bờ vực của nghèo đói đã tăng gần gấp đôi trong hai năm qua. CARE International nói rằng giá cả lương thực–thực phẩm tăng cao là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng đáng báo động này. Thông tín viên Tom Rivers của Đài VOA ở Hoa Kỳ vừa có dịp trao đổi với tác giả của phúc trình này và có bài tường trình sau đây.

Những người được gọi là sống bên bờ vực của sự nghèo đói là những người đang đứng trước nguy cơ không thể tự nuôi ăn đủ cho chính mình, và cần phải được trợ giúp từ bên ngoài. Số người này đã tăng gấp đôi, lên tới khoảng 220 triệu người trên toàn thế giới trong vòng hai năm qua.

Bà Vanessa Rubin, tác giả bản phúc trình của CARE International, nói rằng sự tăng vọt như vậy là một hiện tượng thực sự đáng báo động.

Bà Rubin nói: “Một số cộng đồng mà tôi có dịp nói chuyện khi thực hiện dự án này – tại Kenya chẳng hạn, người dân ở đây phải chi tiêu đến 80% thu nhập của họ cho thực phẩm. Và tình trạng giá cả lương thực–thực phẩm tăng cao –tăng lên gấp ba, bốn lần như nhiều nơi ở châu Phi, thì chúng ta thử tưởng tượng làm sao người dân ở đó có thể tự nuôi ăn cho họ được.”

Theo bà Rubin thì trong khi giá phẩm tăng cao được coi là gây tác động lớn nhất, còn nhiều yếu tố khác cũng góp phần đẩy thêm hàng triệu người đến bờ vực của đói nghèo.

Bà Rubin giải thích: “Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân thâm căn khác. Chẳng hạn như khí hậu thay đổi đang thực sự làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên như đất đai và nguồn nước, tức là những nguồn tài nguyên mà rất nhiều người phải phụ thuộc vào đó để kiếm sống từ nông nghiệp trồng trọt cho đến chăn nuôi. Mặt khác ta còn thấy dân số gia tăng và vì vậy cũng thực sự làm cho việc kiếm ăn khó khăn hơn.”

Phúc trình của CARE International nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế đã không rút ra được những bài học của rất nhiều vụ khủng hoảng nhân đạo đã xảy ra mấy chục năm về trước.

Bà Rubin nhấn mạnh: “Điểm mà chúng tôi muốn nêu ra trong phúc trình này là sự ứng phó đối với những mối đe dọa nguy hiểm này là chưa thích đáng. Thường vẫn có xu hướng chữa cháy ở đỉnh cao của các cuộc khủng hoảng, nhưng các nguyên do đẩy người ta đến tình trạng nguy hiểm đó thường không được chú ý đến ngay từ ban đầu.”

Bà Rubin nói rằng trong khi phải tiếp tục dành ngân khoản cho các cuộc cứu trợ khẩn cấp ngắn hạn, tiền cũng phải được dành cho các cam kết phát triển dài hạn để tăng cường giải quyết các vấn đề cho các cộng đồng cư dân địa phương.

Tuần tới sẽ có một hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc bàn về cái gọi là các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Bà Rubin nói rằng hội nghị này của Liên hiệp quốc không thể bỏ qua xu hướng của tình trạng đói nghèo đang gia tăng.

Bà Rubin nói: “Theo cách nhìn nhận vấn đề của chúng tôi thì vào dịp mà các nhà lãnh đạo trên thế giới quy tụ lại với nhau tại hội nghị ở New York vào tuần tới, thì họ không còn chọn lựa nào khác hơn là phải bàn đến vấn đề này.”

Ưu tiên hàng đầu của Mục tiêu Thiên niên kỷ là giảm đi phân nửa con số người có thu nhập dưới 1 đôla mỗi ngày trước năm 2015.

Thu hẹp cách biệt giữa việc bàn đến mục tiêu và việc thực sự đạt được mục tiêu sẽ là một đề tài thảo luận chính của hội nghị.