Bắc Triều Tiên có khả năng thử nghiệm các động cơ phi đạn

Một trong các chuyên gia hàng đầu trên thế giới về các chương trình phi đạn đạn đạo của Bắc Triều Tiên nói rằng những tin tức về việc thử nghiệm động cơ phi đạn tại một cơ sở vừa được tiết lộ có vẻ tin cậy được. Rõ ràng là Bắc Triều Tiên có khả năng thử nghiệm các phi đạn của họ trong những điều kiện thực tế hơn bao giờ hết. Từ Hán Thành, thông tín viên Kurt Achin của đài VOA ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Tuần này, các cơ quan truyền thông Nam Triều Tiên đã loan tin về những dấu hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên có thể đã thử nghiệm các động cơ cho một số phi đạn lớn nhất và có tầm bắn xa nhất hồi đầu năm nay. Ông Joseph Bermudez là một chuyên gia phân tích kỳ cựu của tổ hợp Jane chuyên xuất bản sách báo về quốc phòng và tình báo.

Ông Bermudez nói rằng việc thử nghiệm này sẽ phù hợp với chương trình phát triển phi đạn của Bắc Triều Tiên đã có từ cả chục năm nay.

Ông Bermudez nói: “Bắc Triều Tiên đã thường xuyên thực hiện việc thử nghiệm động cơ phi đạn đạn đạo, động cơ các phương tiện phóng lên không gian trong thời gian từ 10 đến 15 năm vừa qua. Việc họ tiến hành việc đó lúc này không có gì là bất thường.”

Các cuộc thử nghiệm bị nghi là đã diễn ra tại một cơ sở mà ông Bermudez đã là người đầu tiên công bố trong tuần này. Một bài báo đăng trên tuần báo quốc phòng Jane có kèm theo những hình ảnh chụp bằng vệ tinh một giàn phóng và một tháp phi đạn 10 tầng, nằm ở một vùng phía tây nam Bắc Triều Tiên.

Theo ông Bermudez thì có thể Bắc Triều Tiên đã bắt đầu xây dựng các cơ sở này cách đây khoảng 8 năm.

Ông Bermudez nói: “Cơ sở phi đạn và giàn phóng của Bắc Triều tiên gần Pongdong-ni là cơ sở phóng phi đạn tối tân nhất của Bắc Triều Tiên hiện nay.”

Ông Bermudez nói rằng Bắc Triều Tiên thường thử nghiệm các động cơ phi đạn bằng cách tách chúng ra khỏi thân của phi đạn sẽ chở động cơ đó. Ông nói rằng cơ sở mới có thể làm cho các cuộc thử nghiệm nay mai sẽ gần với thực tế hơn.

Ông Bermudez nói: “Dường như cơ sở này có thể tiến hành việc thử nghiệm thực tế động cơ trong lúc nó nằm ở trong thân phi đạn. Tác dụng của điều này là nó cho ta thêm khả năng thử nghiệm các hệ thống phụ sẽ phản ứng ra sao với những dao động và có thể là với sức nóng của động cơ.”

Bắc Triều Tiên đã dành rất nhiều sự chú trọng và tài nguyên vào việc phát triển phi đạn từ hồi thập niên 1970. Người ta cho rằng Bắc Triều Tiên có khoảng 800 phi đạn, hầu hết là vũ khí tầm ngắn có khả năng bắn tới Nhật Bản và Nam Triều Tiên. Năm 2006, Bình Nhưỡng đã phóng thử nghiệm một phi đạn tầm xa mà trên nguyên tắc có thể bắn tới Hoa Kỳ, nhưng đã thất bại chưa đầy 1 phút sau khi phóng.

Cuộc thử nghiệm phi đạn tầm xa đó diễn ra chỉ vài tháng trước khi Bắc Triều Tiên thực hiện việc cho nổ một cơ cụ hạt nhân đầu tiên của họ. Ông Bermudez cho biết các chương trình hạt nhân và phi đạn được thiết kế để bổ sung cho nhau.

Ông Bermudez nói: “Bắc Triều Tiên muốn có vũ khí hạt nhân, và họ muốn gắn các vũ khí đó lên các phi đạn đạn đạo.”

Một số chuyên gia về an ninh tin rằng Bắc Triều Tiên có thể phóng một phi đạn đạn đạo tới Hoa Kỳ vào khoảng trước năm 2012, trong tập hợp các điều kiện thuận lợi nhất.

Gắn một vũ khí hạt nhân vào một phi đạn tầm xa và phóng nó đi một cách chính xác là một công tác phức tạp hơn nhiều. Liệu Bình Nhưỡng có đạt được điều đó hay không còn là một vấn đề trong vòng phỏng đoán.