Hoa Kỳ có thể mất vị thế cạnh tranh về khoa học kỹ thuật

Một cuộc thăm dò mới về giáo dục được công bố ngày 17 tháng 9 năm 2008 cho biết giới quản trị các công ty lớn nhất của nước Mỹ lo sợ rằng Hoa Kỳ có thể mất vị thế cạnh tranh về khoa học và kỹ thuật vì thiếu những chuyên viên được huấn luyện đầy đủ. Các nhà lãnh đạo được hỏi trong cuộc thăm dò này ủng hộ việc đầu tư nhiều hơn vào lãnh vực giáo dục để thu hút các công nhân có kỹ năng đáp ứng những thách thức về kỹ thuật của thế kỷ 21. Biên tập viên Roseanne Skirble của đài VOA ghi nhận chi tiết trong bài viết sau đây.

Ông Bob Allen nói rất nhiều về 'tư bản nhân lực'. Đối với nhà quản trị kỳ cựu này của công ty CH2M Hill, một công ty kỹ thuật trị giá 6.2 tỉ đô la có 25,000 nhân viên, thì 'tư bản nhân lực' có nghĩa là một lực lượng lao động có kỹ năng.

Các kỹ sư chiếm 2/3 nguồn tư bản nhân lực tại công ty CH2M Hill. Các nam nữ kỹ sư này làm việc trong các dự án khác nhau từ quản lý các hợp đồng kỹ thuật và xây dựng cho Olympic năm 2012 cho đến công tác mở rộng kênh đào Panama.

Ông Allen nói: “Ta cần có nhân lực để làm việc đó, và ta cần những người tài giỏi nhất, và trong trường hợp của chúng tôi, đó là những người có căn bản về khoa học, kỹ thuật, và toán học.”

Ông Allen nói rằng công ty do nhân viên làm chủ này - đã được tạp chí Fortune liệt kê là một công ty được ngưỡng mộ nhất tại Hoa Kỳ - đã thành công trong việc thu hút và lưu giữ nhân tài. Nhưng ông cũng chia sẻ những quan tâm giống như giới quản trị của các công ty lớn bậc nhất tại Hoa Kỳ, trong đó có những người đã tham gia vào cuộc thăm dò thường niên lần thứ 13 về các dữ kiện giáo dục khoa học Bayer.

95% trong giới quản trị này nói rằng Hoa Kỳ đang ở có nguy cơ mất đi mất vị trí lãnh đạo trên toàn cầu trong ngành khoa học kỹ thuật vì thiếu các nhân viên như thế.

Ông Allen nói: “Đây không phải là những khó khăn có thể giải quyết cấp thời. Chúng ta đang sống với các hậu quả của sự kiên đã không đối phó với các vấn đề này từ 15 năm trước. Vì vậy thách đố thực sự của chúng ta là chúng ta sẽ khắc phục những khó khăn đó ra sao trong 10 đến 15 năm sắp tới, đồng thời, phải thực hiện những quyết định ngay lúc này để gia tăng mức độ chú tâm và sự tham gia của sinh viên vào ngành kỹ thuật để từ 10 đến 15 năm nữa, chúng ta sẽ có loại lực lượng lao động giúp chúng ta duy trì được vai trò lãnh đạo đó.”

Sáu trong số mười trong vị quản trị nói rằng hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ đang thất bại. Ông Allen nói rằng các sinh viên tốt nghiệp có tài đã tham gia thị trường lao động, nhưng đơn giản là số đó không đủ. Ông nói rằng, trong khi công ty của ông cũng như các công ty khác đầu tư vào các chương trình tại học đường giúp nâng cao khả năng về khoa học, thì điều cần thiết là chính phủ và giới kinh doanh phải tham gia và có nhiều biện pháp hơn nếu muốn Hoa Kỳ duy trì tính cạnh tranh trên khắp thế giới.

Ông Allen nói: “Và phần còn lại của thế giới chắc chắn cũng đã tính ra điều này. Khi nói tới phần còn lại của thế giới, tôi muốn đặc biệt đề cập tới Trung Quốc và Ấn Độ. Những nước này quan niệm là họ cần phải đặt thành một vấn đề cấp thiết của quốc gia vân đề nâng cao trình độ giáo dục và rõ ràng là có một sự hiện diện rất hùng hậu của chính phủ để bảo đảm việc đó được thực hiện. Tôi tin rằng chúng ta cũng phải làm như thế.”

Theo cuộc thăm dò này, phụ nữ và các nhóm thiểu số là một nguồn nhân lực tài giỏi chưa được khai thác. Hiện tại phụ nữ đang nắm giữ 25% công việc về khoa học, kỹ thuật, kỹ sư và toán. Các nhóm thiểu số chiếm một phần ít hơn. 98% những người được thăm dò nói rằng phụ nữ và các nhóm thiểu số có thể làm nhẹ bớt gánh nặng một cách đáng kể.

Ông Allen cho rằng nguồn nhân lực chưa được khai thác này đặc biệt quan trọng khi thế hệ sinh ra sau thời đại chiến thứ hai nghỉ hưu và các chuyên viên trẻ tuổi thay thế những vị trí của họ.

Ông Allen nói: “Không những đây là việc phải làm, mà chắc chắn sẽ có lợi cho các cơ sở kinh doanh đang hoạt động. Vì thế, dành thời gian, công sức và tiền bạc trong việc khối người có tài đó là điều rất hợp lý.”

Nỗ lực của công ty Bayer là để thúc đẩy khả năng cơ bản về khoa học trong các trường học trên toàn quốc được mệnh danh là 'Sáng kiến mang lại ý nghĩa cho khoa học'. Cô Bridget McCourt là giám đốc chương trình này . Cô cho biết cuộc thăm dò thường niên lần thứ 13 của công ty nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục khoa học như một nền tảng của một khối cử tri có học thức.

Cô McCourt nói: “Điều quan trọng là tất cả mọi người trong suốt quá trình cuộc đời mình phải có một căn bản tốt về khoa học, ngõ hầu khi được yêu cầu bỏ phiếu cho các giới chức chính trị ở mọi cấp bậc, nếu có một vấn đề liên quan đến các lãnh vực này được đưa ra thảo luận, thì họ biết rõ chuyện gì đang xảy ra và họ có thể có những quyết định trí thức. Điều đó tốt cho đất nước và tốt cho chúng ta trong tư cách là một công ty.”

Cô McCourt hy vọng cuộc thăm dò trình bầy được nhu cầu cấp thiết phải có thêm các chương trình giáo dục khoa học mở rộng và có mục tiêu – và điều đó nhắc nhở các đại công ty Mỹ và chính phủ Hoa Kỳ phải có biện pháp để thực hiện điều đó.