ADB đưa ra tiêu chuẩn mới về tình trạng nghèo khó ở Châu Á

Ngân hàng Phát triển Á châu, tức ADB, đã khai triển một tiêu chuẩn mới để đo lường tình trạng nghèo khó ở châu Á. ADB nói rằng trong một khu vực đã chứng kiến những tỷ lệ tăng trưởng cực cao và tình trạng bất quân bình về thu nhập ngày càng tăng, thì mức nghèo khó mới ở châu Á mà ADB quy định có thể giúp cho giới quyết định chính sách đo lường và so sánh các mức độ nghèo khó. Từ Hong Kong, thông tín viên Claudia Blume ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Sống bằng một đôla hay ít hơn một ngày, đó là cách thường được dùng để đo lường sự nghèo khó trên khắp thế giới. Nhưng Ngân hàng Phát triển Á châu nghĩ rằng tại châu Á, cần có một tiêu chuẩn mới phản ánh sự tăng trưởng nhanh chóng và những cách biệt về thu nhập trong khu vực. Tại Hong Kong hôm nay, tổ chức cho vay tiền phi lợi nhuận này đã đề ra Mức Nghèo khó mới cho châu Á, xác định nghèo có nghĩa là sống với thu nhập 1 đôla 35 xu mỗi ngày.

ADB đã đi đến con số này bằng cách lấy mức trung bình của các lằn ranh nghèo khó toàn quốc của 16 nước đang phát triển ở châu Á vào năm 2005.

Mệnh giá đồng đôla Mỹ được dùng để định mức nghèo khó không dựa vào tỷ suất hối đoái trên thị trường, mà dựa vào các số liệu tương đương về mãi lực, sử dụng các loại hàng hóa để so sánh mãi lực giữa các nước. ADB cho biết đã khai triển một tập hợp mới về đo lường cho cuộc khảo cứu, chỉ so sánh giá cả hàng hóa và dịch vụ mà giới nghèo mua bán.

Trưởng ban kinh tế của ADB, ông Ifzal Ali cho biết ngân hàng đã thu thập dữ liệu về việc giới nghèo mua bán ở đâu, mua những gì và về số lượng cũng như chất lượng của các mặt hàng mà họ mua bán.

Ông Ali nói: “Mọi người giàu hay nghèo có thể tiêu thụ gạo hàng ngày, nhưng người ta có thể tiêu thụ loại gạo có phẩm chất cao hơn nhiều so với loại gạo hẩm mà người nghèo thường ăn.”

ADB nói rằng các cách đo lường khác nhau tác động đến những thẩm định về mức độ nghèo khó ở châu Á. Nếu sử dụng phương pháp thông thường, chỉ đo lường mãi lực trung bình của mọi người dân trong một nước. kể cả người giàu, thì có hơn 1 tỷ người nghèo trong khu vực. Sử dụng cách đo lường mới chỉ tập trung vào người nghèo, thì con số đó sụt xuống còn 800 triệu.

Ông Ifzal Ali cho biết đây là lần đầu tiên một sự so sánh các mức nghèo khó xuyên quốc gia được thực hiện tại châu Á. Ông nói rằng nhìn vào báo cáo, thì những người quyết định chính sách có thể xác định vị trí của quốc gia mình so với các nước khác trong khu vực.

Ông Ali nói rằng mức nghèo khó ở châu Á và sự đo lường mãi lực tập trung vào giới nghèo còn có thể giúp ta tiên liệu lạm phát sẽ ảnh hưởng ra sao đến người nghèo trong khu vực. Ông cho biết ADB đã phân tích tác động đối với các số liệu về mức nghèo khó có thể gây ra nếu giá mễ cốc tăng 10% và giá các mặt hàng thông thường tăng 10%.

Ông Ali nói: “Báo cáo cho thấy nếu giả dụ như giá ngũ cốc tăng 10% thì con số người gnhèo sẽ gia tăng thêm 36 triệu người ngay lập tức. Mặt khác, nếu giá các loại thực phẩm khác tăng thì số người nghèo sẽ tăng lên khoảng 85 triệu người.”

ADB hối thúc các quốc gia trong khu vực đạt sự tăng trưởng toàn diện để xóa tình trạng nghèo khó trước năm 2020. Sự tăng trưởng này bao gồm việc mở rộng các cơ hội tuyển dụng, cải thiện giáo dục và y tế và cung cấp sự bảo vệ về mặt xã hội.