Bắc Triều Tiên đình chỉ việc phá hủy lò hạt nhân Yongbyon

Bắc Triều Tiên cho biết đã đình chỉ công tác vô hiệu hóa lò phản ứng hạt nhân chính của họ. Các cơ quan truyền thông chính thức tại Bình Nhưỡng quy trách cho chính phủ Mỹ về quyết định này và cảnh báo rằng chính phủ có thể tái khởi động chương trình hạt nhân, không tôn trọng những lời hứa với quốc tế là bãi bỏ chương trình đó. Từ Hán Thành, thông tín viên đài VOA Jason Strother ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên, cơ quan phát ngôn của chính phủ Bắc Triều Tiên hôm nay cho biết việc phá hủy lò phản ứng Yongbyon đã đình chỉ. Bản tin nói rằng công tác đã ngưng vào ngày 14 tháng 8 sau khi Washington không chịu gạt Bình Nhưỡng ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố.

Chính phủ Hoa Kỳ nói rằng việc gạt tên ra khỏi danh sách này không thể được thực hiện cho đến khi nào Bắc Triều Tiên chấp nhận một hệ thống kiểm chứng nội dung bản kê khai mà họ đã đệ nạp hồi tháng 6.Tại các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên trong tháng trước, một dự thảo đề nghị kiểm tra đã được đặt lên bàn thương nghị, nhưng Bình Nhưỡng không hề đáp lại.

Ông Daniel Pinkston là chuyên gia kỳ cựu thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế tại Hán Thành. Ông nói rằng Bắc Triều Tiên có thể nghĩ rằng yêu cầu của Washington đòi hỏi quá nhiều thông tin bí mật.

Ông Pinkston nói: “Có thể bản chất và phạm vi thông tin mà Hoa Kỳ yêu cầu; có lẽ đó là điều khó có thể chấp nhận.”

Bắc Triều Tiên cũng đe dọa sẽ phục hồi lò phản ứng đã bị gỡ bỏ một phần.Cơ sở Yongbyon là trung tâm của chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, cho đến khi bị vô hiệu hóa hồi năm ngoái.

Cơ sở này sản xuất plutonium là loại chất liệu có nhiều phần chắc là được sử dụng trong thiết bị hạt nhân mà Bình Nhưỡng đã cho thử nghiệm vào năm 2006.

Nam Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hoa Kỳ đã làm việc trong nhiều năm để thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Trong các cuộc đàm phán giữa 6 quốc gia cách đây 18 tháng, Bình Nhưỡng đã đồng ý thực hiện việc này để đổi lấy các lợi ích về kinh tế và ngoại giao.

Tuy nhiên, tiến bộ về thỏa thuận đã gặp trở ngại, vì bị trì hoãn nhiều lần trong việc hội đủ các điều kiện của thỏa thuận. Hồi đầu tháng này, Bắc Triều Tiên đã có phản ứng giận dữ trước các cuộc thao diễn quân sự mà Hoa Kỳ tổ chức với nước đồng minh Nam Triều Tiên.

Thêm vào đó, các cơ quan truyền thông Bắc Triều Tiên mới đây lại đả kích Hoa Kỳ về yêu cầu đòi kiểm chứng.