Một nhà hát Trung Quốc đã cho ra mắt một vở nhạc kịch opera có tính tuyên truyền về lịch sử Trung Quốc và Tây Tạng, trùng hợp với thời gian diễn ra Đại Hội Olympic. Olympic Bắc Kinh đã nhiều lần phải đương đầu với các cuộc biểu tình, phản đối chế độ cai trị nặng tay của Trung Quốc tại Tây Tạng. Thông tín viên đài VOA Daniel Schearf ở Bắc Kinh gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.
Mặc dù bộ đội Trung Quốc đã xua quân sang xâm lăng Tây Tạng hồi năm 1950, nhưng việc Trung Quốc đòi chủ quyền tại Tây Tạng đã khởi sự từ nhiều thế kỷ trước.
Một chứng tích lịch sử là cuộc hôn nhân giữa công chúa Wen Cheng của Trung Quốc với một nhà vua Tây Tạng, là Quốc Vương Songtsen Gampo, hồi thế kỷ thứ 6.
Một nhà hát Opera tại thủ đô Bắc Kinh đã chọn những ngày cuối cùng của Đại Hội Olympic 2008 để cho ra mắt một vở kịch opera diễn lại cuộc hôn nhân đó dưới cái nhìn của Trung Quốc.
Vở nhạc kịch trình bày một nước Trung Quốc trong vai trò một cường quốc có lòng vị tha, mang văn minh đến cho một khu vực sau này đã trở thành nước Tây Tạng. Trong suốt vở kịch, các diễn viên người Tây Tạng và Trung Quốc dùng lời hát và điệu múa để vinh danh điều mà vở kịch gọi là “thắt chặt tình gắn bó” trong quan hệ hai bên.
Ông Gao Mukun, người chỉ đạo vở kịch nói rằng sau khi xem, khán giả sẽ hiểu được vì sao các diễn viên của hai sắc tộc lại trân trọng tình trạng hài hòa mà họ đã khổ công mới đạt được.
Ông Gao nói hai sắc tộc là “anh em một nhà“ và không một ai có thể chia cách họ.
Vở kịch opera tìm cách gửi đi một thông điệp về sự đoàn kết sắc tộc vào một thời điểm khi mà Bắc Kinh vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau các cuộc biểu tình chống đối của người Tây Tạng đã trở nên bạo động hồi tháng 3 năm nay.
Cuộc đàn áp khắc nghiệt của Trung Quốc đã dẫn đến một làn sóng phản đối của cộng đồng quốc tế, chống đối việc Bắc Kinh đăng cai Đại Hội Olympic.
Tổ chức Sinh Viên Tranh Đấu cho Một Tây Tạng Tự Do, nói trong 3 tuần qua, Trung Quốc bắt giữ và trục xuất 49 nhà hoạt động tích cực đã tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ Tây Tạng.
Hôm thứ Sáu, cô Ginger Cassady, một tình nguyện viên của Tổ Chức sinh viên Tranh Đấu cho Một Tây Tạng Tự Do, đã nói chuyện với các nhà báo tại Bắc Kinh về vấn đề này.
Cô Cassady nói: “Trung Quốc cam kết rằng một khi được phép đăng cai Đại Hội Olympic, họ sẽ cải thiện thành tích nhân quyền của mình. Thế nhưng điều mà chúng ta đã được chứng kiến là tình hình nhân quyền còn tệ hại hơn trước rất nhiều. Đó là điều mà tổ chức chúng tôi sẽ tiếp tục nêu bật và phơi bày ra trước công luận thế giới.”
Công an Trung Quốc đã dùng những biện pháp nặng tay và bắt giữ các nhà báo nước ngoài nào tìm cách tường trình về các cuộc biểu tình ủng hộ Tây Tạng, bất chấp những lời hứa mà Trung Quốc đã đưa ra rằng họ sẽ không can thiệp vào các hoạt động báo chí trong thời gian diễn ra đại hội Olympic. Các phóng viên nhiếp ảnh đã bị buộc phải xóa những tấm ảnh mà họ đã chụp được.
Hôm thứ Sáu, Người phát ngôn của Đại Hội Olympic Bắc Kinh, ông Wang Wei, mạnh mẽ đả kích các nhà báo nào đã chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng và các vấn đề khác.
Ông Wang Wei nói: “Trong căn phòng này, có biết bao nhiêu lời chỉ trích nhắm vào Trung Quốc. Điều đó phản ánh mức độ thiên vị của một số cơ quan truyền thông đối với Trung Quốc, và mức độ thiếu hiểu biết của họ về Trung Quốc.”
Trung Quốc đã chỉ định 3 công viên được biểu tình phản đối trong thời gian diễn ra Olympic Bắc Kinh, nếu có xin phép. Các giới chức chính quyền cho biết họ nhận được 77 đơn xin phép, và không có đơn nào được chấp thuận.